CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
ĐỀ NGHỊ CHO Ý KIẾN VỀ VẤN ĐỀ
THÀNH LẬP VÀ THAM GIA MỘT ĐẢNG NGOÀI ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
DƯỚI GÓC ĐỘ PHÁP LUẬT VIỆT NAM
Kính gửi: Ủy ban thường vụ Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng)
Tôi là Trần Vũ Hải, hành nghề luật sư tại 81 phố Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội và 66 Huỳnh Khương Ninh, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh, xin gửi lời chào trân trọng đến Quý Vị và xin được trình bày như sau:
Gần đây, một số người kêu gọi thành lập một đảng mới lấy tên là Đảng Dân chủ Xã hội và cho rằng pháp luật Việt Nam không cấm công dân thành lập đảng. Một số người cho rằng không đủ căn cứ pháp lý để thành lập một đảng khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều công dân Việt Nam quan tâm đến vấn đề này đã hỏi chúng tôi về phương diện pháp lý.
Chúng tôi đã nghiên cứu các văn bản pháp luật hiện hành và đã dự thảo Bản ý kiến gửi Quý Vị để tham khảo và cho ý kiến về vấn đề này.
Theo chúng tôi, vấn đề thành lập và tham gia một đảng ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam đang được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, đã có nhiều người đề xuất, các cơ quan chức năng và các nhà luật học hàng đầu của Việt Nam cần có những quan điểm rõ ràng căn cứ vào pháp luật Việt Nam để khẳng định luật pháp Việt Nam có cấm công dân Việt Nam tham gia và thành lập đảng khác ĐCSVN, nếu không cấm việc thành lập sẽ diễn ra như thế nào để phù hợp pháp luật Việt Nam.
Chúng tôi tin tưởng rằng, Quý Vị sẽ có ý kiến chính thức về vấn đề quan trọng này và những ý kiến này cần được công bố trên các phương tiện truyền thông.
Trân trọng
Công dân Trần Vũ Hải
Công dân Trần Vũ Hải
BẢN Ý KIẾN
VỀ THÀNH LẬP VÀ THAM GIA ĐẢNG PHÁI DƯỚI GÓC ĐỘ
PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH
(Dự thảo)
PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH
(Dự thảo)
Hà Nội, ngày 22/8/2013
Từ sau 1975 đến 1988, tại Việt Nam có 03 chính đảng hoạt động hợp pháp là Đảng Cộng sản Việt Nam (trước đó là Đảng Lao động Việt Nam và tên gọi tại miền Nam là Đảng Nhân dân Cách mạng), Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã Hội Việt Nam hoạt động. Đến năm 1988, Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội tự giải tán. Từ đó đến nay, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), chưa có đảng nào được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Gần đây, một số người kêu gọi thành lập một đảng mới lấy tên là Đảng Dân chủ Xã hội và cho rằng pháp luật Việt Nam không cấm công dân thành lập đảng. Một số người cho rằng không đủ căn cứ pháp lý để thành lập một đảng khác ngoài ĐCSVN.
Nhiều công dân Việt Nam quan tâm đến vấn đề này đã hỏi chúng tôi về phương diện pháp lý. Chúng tôi đã nghiên cứu các văn bản pháp luật hiện hành, trong đó có những văn bản sau:
1. Hiến pháp Việt Nam năm 1992 (được sửa đổi 2001);
2. Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005;
3. Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999 và các luật sửa đổi, bổ sung bộ luật này;
4. Công ước về các quyền dân sự và chính trị 1966 (Việt Nam gia nhập năm 1984);
5. Luật về quyền lập hội 1957;
6. Một số luật khác như: Luật Mặt trận Tổ quốc; Luật Công đoàn 2012; Luật Thanh niên; Pháp lệnh về Cựu chiến binh….;
7. Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45/2010/NĐ-CP; các thông tư hướng dẫn các Nghị định này.
Trên cơ sở nghiên cứu những văn bản này, chúng tôi có những ý kiến như sau:
1. Không có điều khoản nào trong Hiến pháp và các luật của Việt Nam cấm công dân Việt Nam thành lập và tham gia một chính đảng khác ngoài ĐCSVN.
2. Tuy nhiên, Điều 79 Bộ luật Hình sự có quy định trừng phạt người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Như vậy, việc thành lập hoặc tham gia vào một đảng không nhằm lật đổ chính quyền nhân dân sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều luật này. Nói cách khác, hoạt động thành lập và tham gia vào một đảng không nhằm lật đổ chính quyền sẽ không được coi là bất hợp pháp.
3. Về nguyên tắc đảng là một loại hội chính trị. Thành lập và tham gia một chính đảng là thực hiện quyền về lập hội, hội họp. Điều 69 Hiến pháp ghi nhận: Công dân có quyền ....hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Điều 22 Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị năm 1966 quy định: Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình.
4. Pháp luật nhiều nước phân biệt giữa đảng phái chính trị và hội. Bộ luật Dân sự Việt Nam (Điều 100) quy định có các loại pháp nhân như: (i) tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội; (ii) tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; (iii) tổ chức khác. Không có quy định rõ trong Bộ luật Dân sự hội thuộc loại pháp nhân nào trong 03 loại pháp nhân trên.
5. Chúng tôi cho rằng một đảng phái hoặc một liên minh chính trị là tổ chức chính trị theo cách hiểu của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, không có điều khoản nào của Hiến pháp, các Luật, Điều lệ ĐCSVN khẳng định ĐCSVN là một tổ chức chính trị. Điều 9 Hiến pháp quy định Mặt trận Tổ quốc là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu… Luật Mặt trận Tổ quốc cũng có quy định tương tự, nhưng không khẳng định Mặt trận tổ quốc là tổ chức chính trị (theo cách hiểu của Bộ luật Dân sự). Các tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam gồm: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và các công đoàn (theo Luật Công đoàn), Đoàn Thanh niên cộng sản Việt Nam (theo Luật Thanh niên), Hội Cựu chiến binh Việt Nam (theo Pháp lệnh Cựu chiến binh),Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (theo Điều lệ của hội này), Hội Nông dân Việt Nam (theo Điều lệ của hội này).
6. Có vẻ như tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội không được coi là hội theo pháp luật hiện hành của Việt Nam. Luật về Quyền lập hội 1957 hiện đang còn hiệu lực (mặc dù một số điều khoản trong Luật này thực tế đã không còn hiệu lực do không phù hợp với một số luật khác ban hành sau đó hoặc không phù hợp với thực tế hiện nay, nhưng Nghị định 45/2010/NĐ-CP vẫn căn cứ vào Luật này, tức Chính phủ vẫn coi Luật này còn hiệu lực). Điều 9 Luật về quyền lập hội quy định: Các đoàn thể dân chủ và các đoàn thể nhân dân đã tham gia Mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ kháng chiến, được Quốc hội và Chính phủ công nhận, không thuộc phạm vi quy định của luật này. Nghị định 45/2010/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 33/2012/NĐ-CP) quy định không áp dụng đối với các tổ chức chính trị - xã hội (nêu ở mục 5 trên), các tổ chức giáo hội. Không thấy Nghị định này quy định rõ loại trừ ĐCSVN và tổ chức chính trị ra khỏi đối tượng áp dụng. Nhưng Điều 2 định nghĩa hội như sau: Hội được quy định trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Hiểu theo quy định này, đảng phái (tổ chức chính trị) không được coi là Hội. Như vậy, có thể cho rằng Luật về quyền lập hội, Nghị định 45/2010/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 33/2012/NĐ-CP) không áp dụng cho các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
7. Trong khi Công đoàn, Mặt trận có luật riêng, chưa thấy có luật nào về đảng, kể cả luật về ĐCSVN. Tuy nhiên, như phân tích ở trên, đảng là một tổ chức chính trị, một loại pháp nhân được quy định trong Bộ luật Dân sự. Do đó, những quy định về pháp nhân, tổ chức chính trị trong Bộ luật Dân sự sẽ được áp dụng nếu xem xét về thành lập, tham gia một đảng chính trị.
8.Pháp nhân theo Điều 84 Bộ luật Dân sự được quy định như sau:
Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Được thành lập hợp pháp;
2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Được thành lập hợp pháp;
2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Thế nào là thành lập hợp pháp không được định nghĩa rõ trong Bộ luật Dân sự, tuy nhiên Điều 85 Bộ luật Dân sự quy định như sau: Pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, tổ chức hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy có 02 loại pháp nhân được thành lập: (i) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (ii) không có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng theo sáng kiến của cá nhân, tổ chức.
9. Tổ chức chính trị theo Bộ luật Dân sự thuộc đối tượng nào trong 02 loại pháp nhân được thành lập nêu trên? (Đảng có phải xin phép thành lập từ Nhà nước hay không?)
Điều 88 khoản 1 Bộ luật Dân sự quy định : Trong trường hợp pháp luật quy định pháp nhân phải có điều lệ thì điều lệ của pháp nhân phải được các sáng lập viên hoặc đại hội thành viên thông qua; điều lệ của pháp nhân phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận trong trường hợp pháp luật có quy định.
Như phân tích ở trên, không có luật nào quy định về thành lập, tham gia tổ chức chính trị ngoài Bộ luật Dân sự. Do đó, đảng (tổ chức chính trị) có cần điều lệ hay không và điều lệ này phải được một cơ quan Nhà nước công nhận hay không sẽ căn cứ chính những điều khoản trong Bộ luật Dân sự.
Trong khi loại pháp nhân (ii) nêu trong mục 4 trên được quy định tại Điều 104 Bộ luật Dân sự (pháp nhân là tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp), theo đó pháp nhân loại này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập, công nhận điều lệ, thì điều 102 Bộ luật Dân sự quy định về loại pháp nhân là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chỉ quy định phải có điều lệ, nhưng không quy định cơ quan nhà nước công nhận điều lệ và cho phép thành lập đối với loại pháp nhân này. Như vậy, tổ chức chính trị (và tổ chức chính trị - xã hội) phải có điều lệ nhưng không cần cơ quan nhà nước nào công nhận điều lệ, cho phép thành lập. Thực tế, ĐCSVN đã hoạt động như vậy, điều lệ của Đảng này sửa đổi nhiều lần nhưng không cần cơ quan nhà nước nào công nhận việc sửa đổi vì không có điều khoản của văn bản pháp luật nào (kể cả Bộ luật Dân sự) quy định phải có thủ tục công nhận từ Nhà nước. Nói cách khác pháp luật Việt Nam (cụ thể là Bộ luật Dân sự) quy định: đảng phái (tổ chức chính trị) là loại pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của tổ chức cá nhân (không thuộc loại thành lập theo quyết định của cơ quan Nhà nước), không phải xin phép thành lập, điều lệ không cần Nhà nước công nhận nhưng phải được các sáng lập viên hoặc đại hội thành viên thông qua.
10. Tóm lại, theo chúng tôi đảng phái (tổ chức chính trị) được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, và cần lưu ý những điểm chính sau:
a. Có sáng kiến của những cá nhân (công dân Việt Nam) đề nghị thành lập đảng.
b. Mục tiêu của đảng dự kiến thành lập không được nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
c. Các sáng lập viên (những người sáng kiến) thông qua điều lệ đảng hoặc đại hội thành lập thông qua điều lệ đảng. Đảng phải có cơ quan điều hành (Ban chấp hành), người đại diện (người đứng đầu) và trụ sở (các điều 88,89, 90, 91 Bộ luật Dân sự).
d. Việc thành lập đảng và điều lệ đảng không cần sự cho phép, công nhận từ Nhà nước.
11. Tuy nhiên những ý kiến trên là những ý kiến cá nhân của chúng tôi, dựa trên nghiên cứu pháp luật Việt Nam hiện hành. Theo Điều 91 Hiến pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Do đó, chúng tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu bản ý kiến này của chúng tôi. Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý với bản ý kiến này và có cách giải thích khác về Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và những luật liên quan khác về vấn đề này, chúng tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố sớm ý kiến của mình.
Văn bản này cũng được gửi đến một số cơ quan liên quan và một số giáo sư, nhà khoa học luật hàng đầu Việt Nam (có danh sách kèm theo dưới đây) để tham khảo, xin ý kiến.
Chúng tôi hi vọng rằng sẽ nhận được ý kiến của các cơ quan hữu quan, các nhà luật học. Sau 30 ngày kể từ ngày công bố bản ý kiến (dự thảo) này, những ý kiến (nếu có) của các cơ quan hữu quan và các nhà luật học sẽ được chúng tôi công bố và tham khảo để đưa ra văn bản ý kiến cuối cùng của chúng tôi về vấn đề này.
Trân trọng
Ký tên
Trần Vũ Hải
(Hành nghề luật sư tại 81 chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội)
Trân trọng
Ký tên
Trần Vũ Hải
(Hành nghề luật sư tại 81 chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội)
Dự thảo Bản ý kiến này được gửi đến:
1. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng)
3. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu
4. Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (Ông Trương Hòa Bình)
5. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (Ông Nguyễn Hòa Bình)
6. Bộ Công an (Ông Trần Đại Quang)
7. Bộ Tư pháp (Ông Hà Hùng Cường)
8. Bộ Nội vụ (Ông Nguyễn Thái Bình)
9. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Ông Phan Trung Lý)
10.Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Ông Nguyễn Văn Hiện)
11.Ông Nguyễn Như Phát - Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
12.Ông Nguyễn Đăng Dung – Giáo sư Luật Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội
13.Ông Đào Trí Úc – Giáo sư Luật, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội.
14.Bà Mai Hồng Quỳ - Giáo sư Luật – Hiệu trưởng trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
15.Ông Lê Hồng Hạnh – Giáo sư Luật, Hội luật gia Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét