Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

THÀNH ỦY HÀ NỘI SẼ GIẢI TRÌNH RA SAO VỀ VẤN ĐỀ NÀY?

Những bộ phim chào mừng 1000 năm Thăng Long: 
Muốn “chào” cũng không ai “mừng”

Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã đi qua được gần 3 năm, thế nhưng một số bộ phim được sản xuất để chào mừng dịp lễ này đến nay vẫn chưa được ra mắt khán giả. Thậm chí, bộ phim “Thái sư Trần Thủ Độ” được phát miễn phí mà các đài truyền hình còn chưa muốn nhận. Số phận một bộ phim ngốn đến 57 tỷ đồng tiền ngân sách thành phố cho 30 tập không khác nào những công trình tiền tỷ sinh ra đề “chào” nhưng cũng không ai thấy “mừng” cho sự hiện diện tốn kém của chúng.


Dịp đại lễ được lên kế  hoạch cả 10 năm trước đó, hàng nghìn tỷ đồng bỏ ra sang sửa cho bộ mặt thành phố, nhưng rồi chỉ 3 năm sau, giờ đã loang lổ, sập xệ. Thiết tưởng kế hoạch sản xuất phim chào mừng đại lễ cũng phải chuẩn bị xong đâu vào đấy rồi, nhưng đúng dịp đại lễ thì 3 bộ phim dành “cúng cụ” đều gặp rắc rối cả.

“Lý Công Uẩn” đầu tư 100 tỷ  đồng, nhưng vì mải chạy theo sự “hoành tráng” nên quên béng mất cội nguồn dân tộc, mọi thứ đều bị Tàu hóa đến khó sửa nên đành xếp 100 tỷ đồng vào xó, coi như anh em diễn viên đạo diễn, người làm phim… cũng có “chút kinh phí” ăn mừng đại lễ. Còn “Huyền Sử Thiên Đô” đầu tư 60 tỷ đồng kinh phí, lên sóng được 42 tập thì lỗ nên cũng phải sớm “thăng thiên”. Giờ đến “Thái sư Trần Thủ  Độ” dù được tận 3 giải Cánh diều vàng 2012 nhưng vì “phim làm để “cúng cụ” mà “ngày giỗ qua lâu rồi mới dâng đồ cúng tế, chả phải là “sái sẩm” lắm sao” – theo như báo Lao động bình luận. Vì thế, bà Phó Chủ tịch TP.Hà Nội – Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng phải ngậm ngùi rằng: Vì phim làm từ ngân sách nên thành phố phải tìm mọi cách để phim đến được với khán giả. Thậm chí, Hà Nội đã tính đến chuyện gửi tặng từng tỉnh, thành phố trong cả nước để phát sóng, “biếu không” đài THVN, nhưng đến giờ, sau khi phát hành vào tháng 8/2012, gần 1 năm sau phim vẫn chưa ra mắt khán giả.
 
Phim Lý Công Uẩn được tờ Tân Hoa xã của Trung Quốc đánh giá cao

Có lẽ do đây là bộ phim theo đơn đặt hàng, cũng phải có dịp thì phát lên sóng mới có ý nghĩa, hơn nữa, lịch phát sóng  đã được các đài lên kế hoạch “cẩn thận” nên bộ phim dài 30 tập, có kinh phí đầu tư 57 tỷ đồng vẫn còn truân chuyên lắm.
 
Với 3 bộ phim kinh phí hàng chục tỷ đồng có kết cục “buồn”, dường như  các nhà làm phim thì “kiệt sức” vì  những dự án quá lớn, nên cũng chẳng mấy quan tâm đến chuyện nó có ra mắt khán giả hay không. Hơn nữa, tiền ngân sách chứ có phải “của đau con xót” đâu mà chạy đôn chạy đáo cho nó được phát sóng thu tiền quảng cáo. Được giải thưởng cũng là vinh danh hết sức rồi, hơi đâu mà quan tâm xem khán giả có được xem, có thích hay không. Mà chưa kể, bị giới phê bình đào bới chán vì nhìn thấy “món hời” ngân sách chi không tiếc tay, giờ phát sóng khán giả chê bai chỉ thêm mệt.
 
 
Vậy là, có phát sóng những bộ  phim này nữa hay không cũng chẳng ai quan tâm, không ai phải chịu trách nhiệm, tiền “chùa” mà. Chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thì cũng qua rồi, giờ có muốn “chào” ra mắt khán giả cũng chẳng ai “mừng”, âu cũng coi như đây là những cơn “bão rớt” của phim ngân sách. Chỉ có “ông chủ đầu tư” mang tên “toàn dân” cho những bộ phim kia là xót, bởi tối tối vẫn phải ngồi “giải trí” trước những hạt sạn to đùng, cố nuốt cho trôi ngủ gà ngủ gật trước màn hình TV để lấy sức sáng mai đi làm, dành tiền đóng thuế tiếp.
 


Nguồn: SM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét