Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

LẬP VIỆN KHỔNG TỬ TẠI VIỆT NAM, ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ

Song Chi

Báo chí Việt Nam đưa tin, trong số các cam kết, thỏa thuận giữa hai nước Việt-Trung qua chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa từ ngày 13-15 tháng 10 mới đây, có việc thỏa thuận thành lập Viện Khổng Tử tại Hà Nội.

Thật ra, việc thành lập Viện Khổng Tử ở Việt Nam đã được bàn đến từ lâu, nhưng không hiểu vì lý do gì chưa triển khai. Bây giờ thì sự việc đã được chính thức thông báo.

Về phía Trung Quốc, quốc gia này không hề dấu giếm ý định thành lập các Viện Khổng Tử trên thế giới nhằm tuyên truyền, quảng bá văn hóa TQ, hay nói cách khác, khuếch trương “sức mạnh mềm” của TQ ra nước ngoài. 

Cho đến nay, đã có hơn 100 Viện Khổng Tử được thành lập tại các nước. 

Những năm gần đây, khi Trung Quốc đã trở nên giàu mạnh hơn rất nhiều, những người lãnh đạo quốc gia này có lẽ đã nhận ra rằng nếu chỉ có sức mạnh về kinh tế, quân sự thì chưa đủ để chinh phục thế giới, chưa đủ để được công nhận là một cường quốc thật sự. Họ càng thấm thía điều này khi nhìn vào “quyền lực mềm,” “sức mạnh mềm” của các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. 

Bên cạnh đó, sự nghi ngại, tâm lý phòng thủ của nhiều nước đối với Trung Quốc, khiến những người lãnh đạo Trung Quốc mong muốn thông qua văn hóa để thay đổi, cải thiện cái nhìn đó. 

Còn Việt Nam? Trong khi có khá nhiều tổ chức văn hóa của các nước xuất hiện tại Việt Nam lâu nay như Hội Ðồng Anh (British Council), Viện Trao Ðổi Văn Hóa với Pháp (viết tắt IDECAF), Viện Goethe (Goethe Institut) của Ðức, Trung Tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản (Japan Foundation)... nhưng tại sao nhiều người Việt Nam lại tỏ ra băn khoăn lo ngại trước việc thành lập Viện Khổng Tử của Trung Quốc? 

Trước hết, có lẽ vì đó là những tổ chức độc lập, còn Viện Khổng Tử là của nhà nước Trung Quốc. Hoạt động của viện chắc chắn sẽ phải chịu sự kiểm soát, định hướng, chi phối bởi những mục tiêu chính trị của nhà nước Trung Quốc, chứ không đơn thuần chỉ là dạy ngôn ngữ, trao đổi văn hóa... 

Do những lý do về địa-chính trị, lịch sử,... hai quốc gia Việt Nam-Trung Quốc từ xưa đến nay vốn dĩ đã có nhiều điểm tương đồng về văn hóa xã hội. Kể từ khi hai đảng cộng sản ra đời, sự tương đồng ấy càng lớn hơn do mô hình thể chế chính trị giống nhau, cộng với việc nhà nước Cộng sản Việt Nam nhất nhất học theo từng đường đi nước bước của nước láng giềng.  

Chưa cần đến Viện Khổng Tử thì Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề của TQ từ kinh tế, chính trị cho đến văn hóa.  

Trên thế giới không phải chỉ riêng Việt Nam rơi vào cảnh nước nhỏ sống bên cạnh nước lớn, mạnh hơn gấp nhiều lần. 

Nhưng với một quốc gia có một chính sách độc lập tự chủ, biết phòng ngừa sự xâm lăng về văn hóa của nước khác bằng những chiến lược bảo hộ văn hóa rõ ràng, bằng việc xây dựng và bảo vệ bản sắc văn hóa của nước mình, thì khác. 

Còn Việt Nam, với sự quản lý kém cỏi, gần như thả nổi trong nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, khiến cho văn hóa Việt vốn “mỏng” hơn, “nhỏ bé” hơn càng phải chống chọi vất vả với sự xâm nhập từ nước láng giềng phương Bắc. 

Chỉ đơn cử một ví dụ trong lĩnh vực phim ảnh, truyền hình chẳng hạn, không có quốc gia nào lại để một tình trạng như Việt Nam, phim Trung Quốc chiếu tràn ngập trên các màn hình từ trung ương đến địa phương. Phim chiếu rạp hay băng đĩa lậu bán ngoài thị trường cũng chỉ thấy phim Mỹ, phim Tàu, phim Hàn là nhiều, rất hiếm phim của các nền điện ảnh khác. 

Lẽ ra bên cạnh việc phải nâng cao số lượng lẫn chất lượng phim Việt là điều mà chúng ta vẫn đang cố gắng làm, thì các cơ quan chịu trách nhiệm phải chú ý tìm kiếm, giới thiệu những nguồn phim khác, kể cả của những nền điện ảnh còn xa lạ với Việt Nam, từ châu Âu đến Bắc Âu, Trung Ðông, Châu Phi... để tập cho người Việt thói quen chọn lựa và thưởng thức nhiều dòng phim thuộc những nền văn hóa khác nhau. Trong lĩnh vực văn học tuy có đa dạng hơn nhưng nguồn sách từ TQ vẫn chiếm đa số. 

Ðối với nhiều người Việt Nam, ngay cả trong giới trí thức, dường như vẫn có tâm lý ngưỡng mộ văn hóa Trung Quốc, một nền văn hóa đồ sộ, lâu đời. Không ai phủ nhận điều này. Nhưng trên thế giới còn có biết bao nền văn hóa, văn minh đáng phải học hỏi khác. Và trong cái nhìn chủ quan của người viết, thì dường như những gì rực rỡ nhất, quyến rũ nhất, lấp lánh nhất của văn hóa Trung Quốc vẫn thuộc về ngày hôm qua, trước khi đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền lãnh đạo đất nước này. 

Nghĩa là từ thời phong kiến xa xưa, với Nho giáo, Khổng giáo, Ðạo giáo... về phương diện triết học, với Kinh Dịch, thư pháp, hội họa thủy mặc, Kinh Thi, thơ Ðường, những tác phẩm văn học như Tam Quốc Chí diễn nghĩa, Thủy Hử, Tây Du Ký, Hồng Lâu Mộng,... với nghệ thuật điêu khắc Ngọc điêu, Thạch điêu, Mộc điêu, các công trình kiến trúc như đình chùa, Vạn Lý Trường Thành, Thành Tràng An, Cố cung, Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh... 

Văn học nghệ thuật hiện đại của Trung Quốc có lẽ cần phải có thêm một thời gian nữa, để có thể tự do hơn, bay bổng sáng tạo hơn và do đó, lại có được sức hấp dẫn, lan tỏa rộng như xưa. 

Phải chăng vì vậy mà trong việc truyền bá văn hóa ra nước ngoài, TQ đã chọn nhân vật Khổng Tử và việc thành lập các Viện Khổng Tử, bởi trong thời điểm hiện đại, TQ có gì để quảng bá về mặt tư tưởng, triết học? Trung Quốc có gì để chứng minh với các nước “sức mạnh mềm” của mình? 

Là nước lớn, và nếu muốn các nước nhỏ yếu hơn phải “tâm phục khẩu phục” chấp nhận vị trí siêu cường của mình, Trung Quốc còn phải chứng minh nhiều giá trị khác. 

Trung Quốc sẽ đưa ra những giá trị gì, từ mô hình thể chế chính trị, các giá trị căn bản của xã hội như tự do, dân chủ, công bằng, tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng con người, nếp sống văn minh, giàu lòng nhân bản của người dân? 

Trung Quốc sẽ đưa ra những giá trị gì, trong đường lối chính sách ngoại giao lẽ ra phải thân thiện, cùng chung sống hòa bình, không xâm phạm đến chủ quyền, lãnh thổ lãnh hải nước khác và trong tư cách một nước lớn càng phải hành xử cho ra nước lớn, có trách nhiệm hơn với những vấn đề chung của thế giới? 

Trung Quốc sẽ đưa ra những giá trị gì, trong lĩnh vực kinh tế? Khi đó là giá trị của chữ Tín trong quan hệ làm ăn thương mại với các nước khác, giá trị của những thương hiệu hàng hóa, chất lượng sản phẩm, tên tuổi và sức mạnh tầm cỡ quốc tế của các tập đoàn kinh doanh lớn... Ðiều mà những nền kinh tế lớn khác như Mỹ, Anh, Nhật, Ðức, thậm chí Hàn Quốc đã xây dựng được. 

Còn trong lĩnh vực văn hóa, Trung Quốc có thể quyến rũ các nước bằng chiều rộng và chiều sâu của một nền văn hóa khổng lỗ thuộc vào loại lâu đời nhất trên thế giới, nhưng như đã nói, những thành tựu lớn nhất vẫn là thuộc về quá khứ. 

Việc hâm nóng lại những tư tưởng của Khổng giáo, Nho giáo có lẽ chẳng còn nhiều hiệu lực như thời phong kiến, bất kể là xã hội Trung Quốc, Việt Nam hay nước nào khác. 

Chính vì thế, việc có mặt của Viện Khổng Tử hay ý định khuếch trương văn hóa của Trung Quốc sẽ không có gì đáng lo ngại đối với nhiều quốc gia, nhưng với Việt Nam, lại đáng băn khoăn. Không phải vì sức mạnh của chính cái nền văn hóa ấy mà do chính chúng ta, nếu cửa ngõ gài then không chặt, nếu không có một nội lực đủ mạnh và nếu không tự hù dọa mình. 

Tiếc rằng, với một cơ chế chính trị như hai “anh em song sinh” và với những người lãnh đạo đất nước vừa thiếu bản lĩnh, thiếu tầm lại mang cái tâm lý nô lệ Tàu nặng nề như hiện tại, thì nguy cơ càng lệ thuộc nặng nề hơn về văn hóa lại là điều dễ thấy trước. 

Nguồn: Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét