Ghi chép từ Trịnh Nguyễn
Ngô Thị Hồng Lâm
Theo các chuyên gia môi trường đánh giá “Từ Sơn có nhiều làng nghề, từ đó gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bởi tất cả các hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước mưa đều cùng chung một hệ thống tiêu thoát gây ô nhiễm cho lưu vực sông Thái Bình và sông Cầu”. Đảng và chính quyền thị xã Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh đã cho cưỡng chế GPMB lấy đất thực hiện dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải.
Nhưng chủ trương này đã không được lòng dân chấp thuận và xẩy ra tranh chấp. Bởi lẽ theo bà con dân làng Trịnh Nguyễn trình bầy :
- Thứ nhất: Khu ruộng này là bờ xôi ruộng mật đã được đảng cấp cho những gia đình thuộc diện chính sách có công với đất nước trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
- Thứ hai: vị trí xây dựng nhà máy nằm ở trên nguồn nước tưới tiêu cho toàn bộ cánh đồng ở phía sau nhà máy. Nếu nhà máy đi vào hoạt động thì toàn bộ cánh đồng ở phía sau nhà máy XLNT này sẽ không có nước tưới, dẫn đến toàn bộ diện tích này không thể canh tác được. Nhân dân không chống lại chủ trương xây dựng nhà máy xử lý nước thải, nhưng vì cần có ruộng để làm ra hạt gạo nuôi sống con người ,đề nghị chủ đầu tư cho dời nhà máy này xuống khu đồng phía dưới. Yêu cầu này đã không được đáp ứng.
- Thứ ba : quy trình khoa học thực hiện thu gom nước thải sinh hoạt, nước thải từ các làng nghề được thực hiện ra sao ? Có gom vào bể chứa hay không ? Chất thải sau xử lý sẽ đổ đi đâu ? Có tiếp tục một lần nữa làm xấu thêm môi trường hay không? Dự án được thực hiện trong bao lâu ? Nếu “Dự án” này vẫn không đảm bảo được việc làm sạch môi trường thì ai? Cơ quan nào? là người chịu trách nhiệm trước đảng, trước chính quyền, trước nhân dân. Hay lại “hòa cả làng”.
- Thứ tư : mức đền bù cho dân chỉ có 200 triệu/1sào (360m) là quá thấp, không đủ cho người dân tái tạo cuộc sống mới. Trong khi chủ trương của đảng “phải đảm bảo cuộc sống cho dân ổn định sau khi lấy đất !”. Giá cả đền bù không dược minh bạch công khai với dân.
Thế nhưng yêu cầu chính đáng của người dân làng Trịnh Nguyễn đã không được phía chính quyền và chủ đầu tư đầu tư đáp ứng và đã xẩy ra tranh chấp giữa nhân dân làng Trịnh Nguyễn và chủ đầu tư với sự ủng hộ tuyệt đối của chính quyền đã thực hiện một cuộc cưỡng bức dân quy mô bằng bạo lực để lấy đất, trấn áp người dân hết sức dã man. Người thì bị đánh ngất xỉu, các cháu bé bị thương do giầy đinh các cảnh sát cơ động dẫm lên.
Chưa hết, trong ngày về Trịnh Nguyễn tôi còn được nghe những nhân chứng là nạn nhân của vụ cưỡng bức lấy đất kể rằng : sau vụ cưỡng bức dân để lấy đất chính quyền còn hèn hạ o ép dân dân không được đi làm thuê, các cháu nhỏ không được nhà trường tiếp nhận cho học. Chị Đỗ Thị Hải, 66 tuổi là người dân Trịnh Nguyễn có con bị công an đánh gẫy tay. Bà Ngô Thị Đức, 73 tuổi đảng viên, vợ liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cũng vì đòi thực hiện quyền dân chủ của người dân “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra” của một Nhà nước Do Dân và Vì Dân với việc xây dựng nhà máy nước thải tại Đồng Lỗ cũng đã bị đảng cấp trên trù dập khai trừ bà khỏi đảng !
Dã man hơn một kẻ giấu mặt đã tạt a-xit vào chị Đỗ Thị Thiêm,một người phụ nữ luôn đi đầu trong việc tố cáo chống tham nhũng tại địa phương này.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vừa qua, không một làng xã nào của miền Bắc người dân không đi đầu ủng hộ chủ trương và lời kêu gọi của đảng góp sức người sức của cho mặt trận đánh thắng giặc ngoại xâm. Kết thúc cuộc chiến nh2 nào cũng có thương binh, cũng có liệt sĩ.Tình đoàn kết “Quân và Dân trong kháng chiến như cá với nước. Phát biểu của người dân Trịnh Nguyễn rất có trách nhiệm rằng : chúng tôi không chống lại chủ trương của chính quyền. Nhưng những chủ trương của chính quyền đặt ra cũng phải tôn trọng đời sống của người dân Trịnh Nguyễn.
Chính quyền Từ Sơn cần phải xem lại cách hành xử của mình với những người dân : Biết mình và biết người ! sai thì phải sửa, để khẩu hiệu “Ý đảng Lòng dân” đi vào thực tế chứ không chỉ là khẩu hiệu xuông treo trong phòng máy lạnh. Không thể áp đặt bắt dân phải từ bỏ cuộc sống của mình với giá đền bù rẻ mạt, không đủ để tái tạo một cuộc sống mới không bằng cuộc sống cũ trước đó.
Một điều nữa cần đặt ra với nhà đầu tư rằng hiện nay có rất nhiều phương pháp xử lý nước thải được cải tiến như : Công nghệ xử lý nước và rác thải mới của Hàn Quốc.“Theo nhận định thì nếu ứng dụng được tại Việt Nam sẽ giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, giảm gánh nặng xử lý chất thải cho các doanh nghiệp và công ty quản lý môi trường quốc gia. Tại sao các vi không áp dụng các khoa học tiên tiến hiện đại mà lại đi cưỡng bức người dân ?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những lý do khiếu kiện mà người dân đưa ra là hoàn toàn chính đáng. Bởi nhà máy xây dựng quá gần khu dân cư ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân; “vị trí xây nhà máy ở đầu hệ thống tưới tiêu của gần 100 mẫu ruộng, đất thuộc diện phải thu hồi là đất canh tác "bờ xôi ruộng mật", trong đó có nhiều diện tích đã cấp cho các gia đình chính sách. Thậm chí một số người còn khiếu kiện việc cán bộ địa phương không minh bạch trong công tác đền bù, GPMB. Yêu cầu di dời vị trí xây dựng nhà máy đến khu Đồng Khô cách đó khoảng 1km”.
Vì thế tính từ ngày 13/6 /2013 cho đến nay đã hơn 110 ngày bà con cùng nhau đoàn kết. Nắng cũng như mưa căng lều trại các cụ trưởng lão trong làng thường trực ngày đêm tại lều quyết một lòng giữ đất, giữ cuộc sống cho con cháu mai sau, kể cả bằng máu của mình.
Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến chính đáng của người dân Trịnh Nguyễn trong cuộc đấu tranh không cân sức này. Cầu mong lẽ phải sẽ phải thắng !
Ngô Thị Hồng Lâm
2/10/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét