Vốn ODA: Minh bạch cần được luật hóa
Tuần Việt Nam: Các nhà tài trợ quốc tế thì rất "kỵ" xung đột lợi ích trong dự án của họ. Việc ngăn chặn xung đột lợi ích thường đi kèm với điều kiện minh bạch (transparency), nên đây là yếu tố quan trọng cần phải được luật hóa.
Kinh tế Việt Nam hội nhập quốc tế giống như đứa trẻ chập chững tập đi. Bởi thế, cũng như đứa trẻ cần có sữa uống như một nguồn dinh dưỡng quan trọng, kinh tế Việt Nam rất cần sự hỗ trợ từ nhiều nguồn vốn, mà vốn hỗ trợ phát triển (ODA) là nguồn vốn rất quan trọng. Tuy nhiên, đã "vay" thì phải "trả" và bởi thế ODA không phải là bầu sữa cho không.
Bên cạnh những hiệu quả to lớn mà vốn ODA mang lại cho nền kinh tế nước ta thì những bất cập do về nhận thức, cách tiếp nhận và quản lý sử dụng vốn ODA đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải kịp thời và nghiêm túc nghiên cứu đánh giá, giải quyết.
Độ vênh về nhận thức
ODA không phải là "bầu sữa mẹ", mà thực chất là Nhà nước đứng ra vay, nhưng thuế của người dân sẽ phải trả và các khoản phúc lợi của người dân cũng phụ thuộc ở các khoản vay này. Nếu sử dụng ODA không hiệu quả thì không phải chỉ tổn hại về tài chính mà còn mất cả chủ động chiến lược điều hành quyền tự quyết của một đất nước.
Trong việc thương thảo hợp đồng, các nhà tài trợ quốc tế thường sử dụng mẫu văn bản của Hiệp hội kỹ sư tư vấn quốc tế (FIDIC). Trước khi ký hợp đồng với đơn vị được chấm trúng thầu, chủ đầu tư thường tổ chức "đàm phán hợp đồng", theo Luật Đấu thầu Việt Nam gọi là "thương thảo hợp đồng".
Nhưng theo nguyên tắc của các nhà tài trợ, không được "đàm phán" hoặc "thương thảo" về hợp đồng vì làm như thế là không công bằng với các đơn vị dự thầu. Đây là sự khác biệt trong quy định của cả 02 phía. Sự khác biệt trong thực tiễn và trong tư duy là không thể tránh khỏi.
Điều được xem là bình thường trong thực tiễn quốc tế có thể bị xem là bất hợp pháp hoặc không được phép tại Việt Nam. Hợp đồng cho phép hành động, nhưng hành động này không thể áp dụng vào thực tế. Các nhà tài trợ không đồng ý việc "đàm phán hợp đồng" mà chỉ chấp nhận việc "làm rõ hợp đồng"..
.
Các nhà tài trợ luôn nhắc nhở khi có sự khác biệt giữa quy định của Việt Nam và quy định của nhà tài trợ thì phải theo quy định của nhà tài trợ. Phía Việt Nam cho rằng phải áp dụng hài hòa hai bên. Điều đó, khó cho người áp dụng là không thể "hài hòa" được, bắt buộc phải theo bên này hoặc bên kia. Minh chứng là khi bỏ thầu vượt cao so với dự toán, thì phía Việt Nam quy định phải hủy đấu thầu, trong khi các nhà tài trợ không bắt buộc phải như thế.
Tham những lãng phí
Nói cách công bằng, ngay cả các nước tiên tiến trên thế giới, tham nhũng cũng không phải là "miễn nhiễm" nhưng không tràn lan, phổ biến như ở Việt Nam. Trên diễn đàn Quốc hội cũng như qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân được biết nguồn vốn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng là nơi dễ thất thoát, lãng phí nhất, từ chủ trương đầu tư, đến thiết kế, quá trình thi công, nghiệm thu công trình. Tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đã được Ủy ban Ngân sách và Kinh tế xã hội của Quốc hội ước định lên đến hàng chục phần trăm.
Người dân Việt Nam vẫn nhớ khi báo chí Nhật Bản đưa tin về Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) phải hối lộ cho quan chức Việt Nam phụ trách dự án đại lộ Đông Tây thành phố Hồ Chí Minh "hoa hồng" tương đương 10% của giá trị hợp đồng. Nhưng Ban quản lý dự án có báo cáo giải trình rằng: "Việc đấu thầu, chọn thầu đều thực hiện đúng quy định và không có hành vi tiêu cực nào cả"!?
Thực tế, "vết nứt" của dự án ngày càng lộ rõ và kết quả sau đó ra sao mọi người đã biết. Mất tiền đã đau xót nhưng mất uy tín và mất lòng tin mới là bài học vô giá vì mất lòng tin là mất tất cả, nhất là về phương diện quốc gia.
Những việc tưởng chừng như nhỏ nhưng lại là "vết nứt" tiềm ẩn mà ít người nhận thấy hoặc không dám nói ra. Đó là vấn đề "tế nhị" xung đột lợi ích (conflict of interests). Có vẻ như xung đột lợi ích xảy ra rất phổ biến nhưng ít ai để ý đến để chấn chỉnh. Nhiều ví dụ minh chứng như "chồng xét thầu, vợ hoặc bà con thân cận tham gia đấu thầu", "chồng lấy báo giá và quyết định chọn nguồn cung cấp trong khi người thân là nhà cung cấp".
Người có thẩm quyền ký quyết định trong khi người thân trong cùng cơ quan hoặc ngành (không hẳn cùng phòng ban) soạn thảo hồ sơ dựa trên đó quyết định sẽ được ký. Hoặc là một cá nhân làm việc trong ban quản lý dự án nhưng cũng có phần hùn (nổi hoặc chìm) của công ty tham gia thi công. Trong những tình huống này thì cá nhân người bị xung đột lợi ích bị vướng víu giữa lợi ích cho riêng mình và lợi ích cho dự án mà khó hài hòa được.
ODA "sát thủ kinh tế "
ODA là cống hiến của dân tộc Nhật Bản đối với thế giới nhưng cũng là một hình thức bảo hộ lợi nhuận của các công ty Nhật, là sự biểu lộ rõ ràng của ý thức quốc gia. Tác giả Nguyễn Lương Hải Khôi dựa vào những công trình nghiên cứu có tính nêu bản chất chiến lược ODA của Nhật Bản do chính các học giả Phù Tang thực hiện để viết bài ' ODA- "sát thủ kinh tế" của Nhật Bản rất đáng suy ngẫm.
Gần đây, khi tôi tham gia Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) càng thấy rõ vai trò của một số tổ chức và sự thúc ép của một số quan chức Nhà nước đối với các nhà khoa học.
Ngay cả khi báo cáo của dự án còn khoảng 20 điểm chất vấn của hội đồng khoa học liên quan đến phương pháp luận, các vấn đề về kỹ thuật tính toán, các tác động xấu đến môi trường (nạo vét đổ ngoài biển 40 triệu m3 bùn cát), giá thành quá đắt vv... chưa được giải trình rõ ràng, họ vẫn vận động cơ quan chức năng cho mở một số gói thầu coi như việc đã rồi!!!?
Giải pháp
Nguyên lý điều hành quản lý Nhà nước là trách nhiệm, quyền hạn và quyền lợi. Nếu quyền hạn lớn hơn trách nhiệm dễ sinh ra tham nhũng, quan liêu. Nếu quyền lợi không gắn với trách nhiệm sẽ mất động lực. Để hạn chế tối đa việc thất thoát và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, cần rà soát, chấn chỉnh lại một cách hệ thống các công việc liên quan đến việc tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn ODA cùng với các chế tài cụ thể.
Các dự án có nguồn vốn ODA trong cả nước, kể cả ở TP.Hồ Chí Minh đều giải ngân khá chậm do các nguyên nhân như ách tắc vì thủ tục hành chính rườm rà, công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ, đơn giá lạc hậu, năng lực của nhà thầu, tư vấn, và Ban Quản lý dự án còn hạn chế. Ở TP.HCM có trường hợp chỉ một đường ống nước cỡ trung, cản trở công trình chống ngập đang xây, mà phải chờ đợi 2- 3 tháng mới di dời được cái ống nước này!
Dự án ODA nên giao nhiều quyền hành hơn cho tư vấn chấm thầu và chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật. Nếu tư vấn có năng lực và uy tín thì sẽ vì bảo vệ uy tín của mình mà làm việc công tâm. Tư vấn nước ngoài còn có thể rút kinh nghiệm từ quốc tế về giá cả, công nghệ, năng lực của nhà dự thầu quốc tế.
Vì thế, cần xem xét kỹ, chọn tư vấn nước ngoài có uy tín và kinh nghiệm để chấm thầu, thì họ sẽ phát huy hiệu quả mà tư vấn trong nước chưa có đủ điều kiện thực hiện.
Chúng ta đã hội nhập, bước ra biển lớn, phải chấp nhận "luật chơi" của quốc tế. Cần phải rà soát lại cơ chế chính sách xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, coi trọng cam kết với các nhà tài trợ. Sử dụng nguồn vốn ODA kể cả vốn đối ứng đều phải rõ ràng, công khai, minh bạch, chú trọng hiệu quả đầu tư.
Vĩ thanh
Đối với Việt Nam đáng lo hơn cả là vay nợ nhưng làm ăn kém hiệu quả và khả năng trả nợ ngày càng khó khăn hơn. Nguy cơ đã thấy rõ không giữ nổi tài chính quốc gia trong ngưỡng an toàn. Thiếu hụt ngân sách ngày càng tăng, tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước thực hiện so với tỷ lệ ngân sách Quốc hội biểu quyết thường cách xa nhau khoảng 20%.
Bội chi ngân sách, mất cân đối, cán cân thương mại, bộ máy Nhà nước cồng kềnh, ngày càng phình to, tệ nạn lãng phí, tham nhũng thể hiện rõ nhất qua chỉ số ICOR cao ngất ngưởng. Trong lĩnh vực giao thông tính bình quân đầu tư 01 km đường cao tốc ở Việt Nam thuộc loại đắt nhất trên thế giới nhưng chất lượng mau hỏng nhất !?
Cần phải đặt lại vấn đề xem xét nợ Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội bền vững, xây dựng cơ chế đánh giá, kiểm tra, kiểm soát các dự án đầu tư phải thực sự có hiệu quả, và khả năng trả nợ cả trung hạn lẫn dài hạn. Tất cả các đối tượng sử dụng nguồn ngân sách tức là tiền thuế của dân, không có "vùng cấm" phải được kiểm toán độc lập theo định kỳ.
Nếu không căn cơ, tần tiện, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn, không kiểm soát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có vốn vay thì sẽ không chỉ có một mà nhiều Vinashin! Không nói ra, ai cũng hiểu khi không có khả năng trả nợ, đó sẽ là "thảm họa" dân tộc thực sự!
Tô Văn Trường
Nguồn: Tuần Vietnam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét