Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

NHÂN KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY SINH NHẠC SĨ VĂN CAO (15.11.1923 - 15.11.2013)



Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhạc sỹ thiên tài Văn Cao
(15-11-1923 – 15-10-2013)

Lời tác giả:  Tôi không phải là người đam mê nhạc và cũng không am hiểu nhạc, nhưng lại rất thích nghe nhạc Tiền chiến (Tân nhạc hay nhạc lãng Việt Nam trước 1945). Và trong số các nhạc sỹ Tiền chiến thì mê đắm nhất Văn Cao với bốn ca khúc bất hủ: Cung đàn xưa, Trương Chi, Thiên Thai, Bến xuân. Tôi cũng muốn được chia sẻ cuộc đời đầy bi hùng của ông. Bởi sau ánh hào quang ngắn ngủi của thời Tiền chiến và những năm kháng Pháp, người nhạc sỹ thiên tài này đã dính vào vụ Nhân văn giai phẩm đầy oan khiên, để rồi nghe nói, ông ngồi bất động suốt ba mươi năm.
Xin tưởng niệm Người bằng việc nghe lại khúc Cung đàn xưa.

Nhớ giai điệu u buồn Cung đàn xưa
Đào Tiến Thi
Nhạc sỹ Văn Cao lớn lên và bước vào nền Tân nhạc Việt Nam tại đất cảng Hải Phòng. Từ nhỏ sống với cha trong nhà máy bơm nước, kê tấm phản bên cạnh cái máy bơm làm bàn học, lớn lên đi làm ở nhà bưu điện rồi thất nghiệp, thế nhưng mảng nhạc tình của ông trước Cách mạng tháng Tám, viết trên cái nền bụi bặm của phố cảng và giữa cuộc sống nghèo khó, bấp bênh của mình, lại không gợn chút “bụi trần”. Cung đàn xưa, Thiên thai, Suối mơ, Bến xuân, Buồn tàn thu,... đều như những cõi mộng đẹp của một tâm hồn yêu đời, ham sống.
Riêng Cung đàn xưa có vẻ mông lung, khó hiểu. Chính Văn Cao cũng chỉ nói chung chung đây là “tiếng nói của kỷ niệm”, cái kỷ niệm “nó cứ đeo đẳng, không thể quên được”, về “những điều đã mất trong những những ngày tuổi trẻ của mình[1]”.
Lấy trong ý tứ mà suy[2]thì đây là kỷ niệm về một mối tình, một mối tình thoáng qua (hoặc cũng có thể là mối tình trong tưởng tượng) nhưng để lại dư vị đầy tiếc nuối.
Có một nàngbỗng nhiên xuất hiện và “xe kết” cùng chàng. Tác giả không tả cuộc tình mà chỉ tả cảm giác hiện tại và hồi tưởng lại cảm giác quá khứ. Mở đầu bằng hình ảnh “cây đàn bỏ quên”, tượng trưng mùa xuân tàn, cho cuộc tình duyên đã lỡ:
Hồn cầm phong hương hình dáng xuân tàn
Ngày dần buông trôi sầu vắng cung đàn
Từ người ra đi chờ vắng tin người
Từ người ra đi là hết mơ rồi.
Chữ phong hương các ca sỹ thường hát là phong sương và hầu hết các bản nhạc cũng in như vậy. Nhưng bản in trong hồi ký Phạm Duy nhớphong hương, và theo tôi như thế hợp lý và hay hơn. Phong sương là “gió sương”, không ăn nhập gì ở đây. Còn phong hương là “gói kín mùi hương” lại. Hồn cầm phong hương hình dáng xuân tàn có thể hiểu là: hương sắc mùa xuân đã được phong kín trong hồn đàn, nhìn vào cây đàn chỉ thấy hình dáng xuân tàn mà thôi, ngụ ý rằng người đẹp đã đi rồi, tất cả đều tàn tạ, Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan[3]. Từ nỗi ngậm ngùi ấy, tác giả chuyển nhanh sang hồi tưởng:
Cung thương là tiếng đàn
Cung nam là tiếng người
Ai oán khúc ca cầm châu rơi
Tình duyên lãng đãng nhớ thương dần pha phôi.
Mối tình cũ như tiếng đàn, tuy đã tắt nhưng còn ngân mãi trong lòng người. Nhưng tiếng đàn ấy không tươi vui nữa mà buồn xa vắng, buồn tái tê:
Cung đàn ngân buồn xa vắng trong tiếng thầm
Buồn tê tái trong tiếng ngân, buồn như lúc xuân sắp tàn
Ơi đàn xưa còn vương nhắc chi tới người
Lòng ta tắt bao thắm tươi u hoài duyên đưa.    
Và cái nhức nhối nhất là quá khứ không chịu trở thành kỷ niệm, nó cứ sống mãi cùng hiện tại, đặc biệt khi xuân về: 
Chiều năm xưa
 gót hài khai hoa/ mắt huyền lưu xuân/ dáng hồng thơm hương
Chiều năm nay
bóng người khơi thương/ tiếng đàn gieo oan/ giấc mộng chàng Trương
Về ba hình ảnh trong câu nhạc thứ nhất, nhạc sỹ Phạm Duy viết:
“Những cô hái mơ, cô bán hoa, cô hàng nước, cô lái đò, cô láng giềng xuất hiện trong các bản nhạc tình thuở đó làm sao mà có được những gót hài khai hoa, mắt huyền lưu xuân, dáng hồng thơm hương như trong bản Cung đàn xưa của Văn Cao? Chỉ cần có 12 chữ và chỉ để xưng tụng một người tình tưởng tượng mà thôi, Văn Cao đã đưa nhạc tình Tiền chiến lên tới một cao độ vượt khỏi những khuôn sáo cũ mèm[4]”.
Cái “khuôn sáo cũ mèm” mà Phạm Duy nói đến có lẽ là những cô hái mơ, cô bán hoa,… trên kia vẫn chưa thực sự thoát khỏi tính ước lệ của thơ ca cổ điển. Ca khúc tình yêu trong nhạc Tiền chiến phát triển theo quy luật tương tự Thơ mới. Nghĩa là ban đầu chỉ dám nói đến thứ tình yêu xa xăm, nặng về tưong tư sầu mộng:
Em chỉ là người em gái thôi
Người em sầu mộng của muôn đời
Tình anh như tuyết giăng đầu núi
Vằng vặc đêm thu nét tuyệt vời.
(Lưu Trọng Lư)
Và không phải ngẫu nhiên mà những bài hát đầu tiên của nền Tân nhạc (nhạc Tiền chiến), đã phổ nhạc một số bài thơ đầu của Thế Lữ, Nguyễn Bính. Nhưng Văn Cao xuất hiện đã đem đến cho nhạc tình Tiền chiến một hơi thở mới: cái đắm say nồng nàn. Giống như Xuân Diệu đã đem đến cái đắm say nồng nàn cho Thơ mới vậy.
Trở lại câu thơ nhạc nói trên của Văn Cao, có thể nói, người nhạc sỹ – thi sỹ trẻ Văn Cao đã đặt người yêu của mình ở vị trí tuyệt mỹ mà vẫn thực. Nó vừa ước lệ theo kiểu Làn thu thuỷ nét xuân sơn[5]của văn chương cổ điển lại vừa gợi tả một người con gái  có dáng, có da, có nét, có cả chất sexynữa. Người đẹp lướt qua như một làn gió, không hình không ảnh mà lại rõ mồn một bởi cảnh hoa nở tưng bừng theo gót chân nàng. Mắt nàng sâu thẳm chứa đầy một mùa xuân tình ái. Nàng đi đến đâu ngát thơm đến đấy. Nàng lãng đãng xa xôi từ chốn Bồng Lai đến với “gót hài khai hoa”, rồi tình tứ mặn màvới “mắt huyền lưu xuân” và thoắt cái, nồng nàn say đắm với “dáng hồng thơm hương”. Nhưng cái nồng nàn say đắm của Văn Cao cũng khác Xuân Diệu. Nếu Xuân Diệu “Hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực” – thiên về tả thực, nhiều tính nhục cảm, thì Văn Cao thiên về gợi cảm, cho nên nồng nàn mà vẫn thanh tao, trần thế mà vẫn là người của chốn Đào Nguyên. Ta cảm nhận cái thơm tho của ái tình hơn là mùi vị của khứu giác.
Nàng đến nhanh mà đi cũng rất nhanh. Chiều năm xưa vừa mới rực rỡ thì chiều năm nay đã điêu tàn: Chiều năm nay/ bóng người khơi thương/ tiếng đàn gieo oan/ giấc mộng chàng Trương. Người đi rồi, chỉ còn lại bóng, khơi thêm vết thương lòng. Người đi rồi, tiếng đàn bây giờ là tiếng gieo oan (cất lên lời an oán). Người đi rồi, bây giờ ta chỉ yêu bằng mộng, giấc mộng của chàng Trương, giấc mộng xa vời, không bao giờ thành.
Theo hồi ký của Phạm Duy, thì chữ “gieo oan” được chép là “giao hoan”. “Tiếng đàn giao hoan” phải chăng là tiếng đàn gợi nhớ cuộc giao hoan? Nghĩa đen của từ này là “cùng vui với nhau” (Thêm nến giá nối hương bình / Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan- Truyện Kiều), ở đây có thể hiểu là tiếng đàn gợi nhớ cuộc gặp gỡ đẹp của đôi lứa. Chàng nhấm nháp khoảnh khắc yêu đương cũ,rõ ràng có thực mà bây giờ như trong mơ, như mối tình của chàng Trương Chi thuở trước. Và nếu ta hiểu là tiếng đàn “giao hoan” thì “giấc mộng chàng Trương” cũng bớt phần bi luỵ. Nó như một khát vọng về hạnh phúc không thể với tới, chứ không phải một tình yêu đơn phương.
Đoạn kết trở lại nỗi ngậm ngùi thấm thía khi đã biết chắc cuộc tình này một đi không trở lại.
Giờ còn mong chi người hát theo đàn
Giờ còn mong chi hợp cánh hoa tàn
Lời đàn năm xưa xe kết đôi lòng
Lời đàn năm nay đôi lứa xa vời
Khi hôn hoàng xuống dần
Trăng lên vàng mái lầu
Nghe thoáng tiếng kinh cầu xa xa
Ngàn lau thấp thoáng bóng kinh kỳ sầu bao la.
Bài này chưa phải là đỉnh cao trong nhạc tình của Văn Cao trước Cách mạng. Khát vọng tình yêu và hạnh phúc còn được Văn Cao tiếp tục phát triển ở hai tuyệt tác Trương ChiThiên Thai. Tuy nhiên, nếu so sánh với nỗi “thất tình” trong Trương ChiThiên Thai thì trong Cung đàn xưa, ít bi luỵ hơn. Cung đàn xưa chủ yếu vẫn là dư vị ngọt ngào của mối tình đầu. Duyên đã lỡ nhưng tình thì còn mãi. Hạnh phúc tuy ngắn ngủi nhưng thực sự đã chạm đến chứ không phải là điều huyễn hoặc.
Có nhiều ca sỹ hát bài này, mỗi người mỗi vẻ, nhưng Ánh Tuyết thật xứng đáng là người giải nhất chi nhường cho ai[6]. Với giọng ca Cao như thông vút, buồn như liễu[7], với ánh mắt u buồn, sâu thẳm, Ánh Tuyết nồng nàn mà không suồng sã, buồn mà không bi luỵ, người nghe cảm nhận một tình yêu vừa lãng mạn cổ điển lại vừa đắm say hiện đại.
(Bài đã đăng TC Thế giới trong ta)



[1] VDC Suối mơ – Hãng phim Trẻ, 1999
[2] Nguyễn Du – Truyện Kiều
[3] Nguyễn Du – Truyện Kiều.
[4] Phạm Duy – Tân nhạc Việt Nam buổi ban đầu, NXB Trẻ, 2006.
[5] Nguyễn Du Truyện Kiều.
[6] Nguyễn Du Truyện Kiều
[7] Thơ Thế Lữ.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: GỬI TÂN PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM


Gửi tân phó thủ tướng
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh
Theo blog Cu Vinh Khoai Lang

Tôi gửi mấy lời với tân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Báo chí khen anh là Phó Thủ tướng trẻ nhất, cái đó cũng ấn tượng, nhưng chắc anh đồng ý với tôi, trẻ nhất về tuổi có quan trọng gì đâu, cái chính là trẻ trong công việc, trong điều hành.

Tôi thấy việc Thủ tướng đề cử một lúc hai Phó Thủ tướng trẻ và có năng lực là Thủ tướng và tập thể lãnh đạo cao cấp- và tất nhiên Quốc hội nữa, đang kỳ vọng vào một thế hệ lãnh đạo mới, được đào tạo nghiêm chỉnh ở nước ngoài, ngoại ngữ giỏi, giao tiếp giỏi và chắc chắn đã được thử thách rất chín.

Tôi không a dua theo vài bài báo viết về những năm tháng phấn đấu của anh, nhấn cả chi tiết anh chạy bàn để học thêm ngoại ngữ, cả việc anh đi xe máy vào ngày nghỉ, cả việc anh dễ xúc động hoặc căm giận trước những hiện tượng xấu của xã hội, nhắc lại một số câu nói được cho là tâm đắc để thể hiện anh là ai, làm việc thế nào. Và tôi tin, như anh, đọc những bài báo ấy anh cũng không thích.

Từ giờ, anh có thể không cần ( thậm chí không nên đi xe máy ra đường), nhưng nếu cần thì anh cứ thể hiện rõ cảm xúc của mình (không phải là cảm xúc ngoại giao) trước những sự biến hỉ nộ ái ố của đời sống.


Từ giờ anh cũng không còn phải làm cái công việc đôi khi đôi lúc anh chẳng muốn, là phát ngôn viên của Chính phủ với báo giới, với công luận, vì như thế đôi khi không thể nói cho cạn ý, cạn lời cái điều mà anh đau đáu trong tâm can.

Tôi biết, dù anh lên Phó Thủ tướng, hay sau này, lịch sử trao cho anh hay đồng sự chức vụ Thủ tướng, thì quyền có cao, chức có trọng, trong công việc điều hành của mình cũng khó khăn lắm, nó không như nhiều nước tiên tiến,Thủ tướng có thể thành lập chính phủ và yêu cầu thôi chức ngay một hay nhiều hay giải tán cả chính phủ để thành lập chính phủ mới, nếu chính phủ đó kém. Ở ta, Thủ tướng muốn cách chức ngay cấp Thứ trưởng, thậm chí là chức Tổng giám đốc Nhà nước thôi thì đã khó, quá khó, nếu không nói là không thể vì phải qua tầng tầng lớp lớp thủ tục, trình tự phải nói thật là dân chủ một cách rất nhiêu khê. Anh thì quá hiểu chuyện đó rồi.

Vì thế, với cương vị mới, tôi chỉ mong anh thế này thôi: Anh cố gắng trong khả năng của mình giữ cho được cái chất anh đang có, mỗi ngày dành thời gian đọc thật nhiều thông tin trên mạng, đủ thứ thông tin, ở đó nếu anh bình tĩnh đọc, bình tĩnh suy xét, tâm tư tình cảm của nhân dân trong đó bạt ngàn, chắt lọc ra ở đó những điều mà nhân dân phản ánh, những điều mà nhân dân bàn tán, những điều nhân dân băn khoăn, và hãy cố gắng làm quen với cả những câu chửi, lời khía cạnh, thậm chí là cả những câu những nhận xét hồ đồ, cực đoan,....tất cả những thông tin đó sẽ giúp anh và các thành viên Chính phủ bộn bề thông tin để lựa chọn, để tìm kiếm, để cân nhắc. Nhân dân mình lạ lắm, đôi khi mắng như tát nước vào mặt là vì còn yêu quý, khi mà không ai thèm góp, thèm mắng nữa là hỏng chuyện. Các anh trẻ, không xa lạ gì về mạng xã hội, vì thế dù điều tôi mong có thể với anh là thừa, thì tôi cũng mong như thế.

Nước mình phát triển mạng xã hội rất mạnh, đủ mọi lứa tuổi, thành phần, và chính cái mạnh xã hội có lúc người ta mắng mỏ xa xả này lại chính là phép thử cho các chính sách, các nghị định, các quyết sách vô cùng hay, vô cùng hữu ích, mà đôi khi những người dưới quyền các anh vì nhiều lý do, quen một chữ dạ, quen một chữ vâng, quen một dáng cúi mà quên đi rằng, Chính phủ mạnh là nhờ vào sự phản biện của các thành viên, chính sách đúng nhờ vào tranh luận để tìm hướng đi, đất nước sẽ yếu ớt, sẽ thảm hại nếu cấp dưới quyền râm ran những tiếng dạ....
Giảm dần những tiếng dạ a dua và cơ hội của các cấp dưới quyền đôi khi lại chính bắt đầu một sức khỏe mới cho Một Chính phủ.

Anh biết tôi thích Thủ tướng đương nhiệm điều gì không, là cái chi tiết ông về Hà Tĩnh, tìm cho được thằng bạn cùng chiến đấu, và thăm hỏi, rồi góp chút tiền giúp, thế thôi nhưng nó ra được cái chất đàn ông Nam Bộ lắm. Đôi khi vì chức vụ cao, người ta hay quên cái chất thật trong mình, hay giả vờ quên, rồi quên thật, mong anh hãy giữ những gì anh đang có trên cương vị mới.

Ở xa, qua chữ thôi, mừng anh một chén rượu cho nhiệm vụ mới.

N.Q.V
  

Nhà báo Võ Văn Tạo: CHỐI TỘI BỨC CUNG, HỌ TỰ KẾT ÁN

Chối tội bức cung, họ tự kết án

Võ Văn Tạo 

Đại tá Phạm Văn Minh
Nhiều ngày nay, trên các báo, “lề đảng” lẫn “lề dân”, công luận vô cùng phẫn nộ khi biết tin 6 sĩ quan công an tỉnh Bắc Giang liên can vụ án oan nghiệt Nguyễn Thanh Chấn, bị giám đốc công an tỉnh yêu cầu viết tường trình, đã đồng loạt trơ trẽn phủ nhận hành vi dùng nhục hình, bức cung ông Chấn.

Công luận cũng hết sức bất bình khi chính đại tá Phạm Văn Minh - giám đốc đương nhiệm Công an Bắc Giang, 10 năm về trước, khi xảy ra vụ ông Chấn, là Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang; và ông này vừa báo cáo lãnh đạo Tỉnh ủy Bắc Giang để trả lời báo chí rằng xem xét lại (theo yêu cầu của Tỉnh ủy) quá trình điều tra vụ án, thấy “không có vấn đề gì”(!?). 

Công luận lấy làm lạ khi ông Minh, với cương vị Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh khi đó, không phải làm tường trình (dù cấp phó là ông Thái Xuân Dũng – người giúp việc của ông Minh – ký Kết luận điều tra, đề nghị VSK truy tố, thì theo quy định của pháp luật, ông Minh vẫn liên đới chịu trách nhiệm). “Cùng hội cùng thuyền”, mà bây giờ đại tá Minh lại “vô can”, sắm vai “quan thanh tra” trong scandal này, khỏi động não cũng biết công lý sẽ còn bị nhạo báng cỡ nào!

“Không có vấn đề gì”(!?). Ô hay! Tỉnh ủy được báo cáo vậy mà chỉ đành biết vậy và trả lời báo chí như vậy? Không có cách nào buộc các điều tra viên thành khẩn? Cái gọi là “thiên tài” lãnh đạo “sáng suốt”, “anh minh” của “Đảng ta” biến đâu mất rồi? Không lẽ đành để mấy tay điều tra viên cục súc giỡn mặt, coi như “thằng Bờm”?

“Không có vấn đề gì” mà VKSNDTC kháng nghị tái thẩm (và đã được TANDTC chấp nhận), ông Chấn được trả tự do?

Như đã phân tích trong các bài viết trước, để ký quyết định tạm đình chỉ thi hành án, trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Chấn, VKSNDTC phải cầm chắc 100% ông vô tội. Không cơ quan, không quan chức nào nào dám thả một nghi can giết người, vì hệ lụy của chuyện đó là khôn lường (bỏ trốn, tiếp tục gây án…). Vô tội mà bị các cơ quan tố tụng khép tội đặc biệt nghiêm trọng, nếu không có cha là liệt sĩ, thì ông Chấn đã bị tử hình! Oan sai là điều không thể phủ nhận. Vậy mà rà soát lại quá trình làm án, lại thấy “không có vấn đề gì”(!?). Quái lạ! Câu chuyện có vẻ như còn khó hiểu hơn cái bổ đề của Giáo sư Ngô Bảo Châu!

Những ngày qua, hàng trăm bài báo đã tường thuật lại vụ án rất đầy đủ và chi tiết. Bằng lý trí và trái tim mách bảo, công luận tin ông Chấn – một người dân vốn chất phác, thuần hậu ở ngoài đời; thụ án trại giam cũng được giám thị cảm nhận như vậy.

Ông Chấn nói bị các điều tra viên dùng nhiều tiểu xảo, hăm dọa, quát mắng, cho bạn tù đánh đập để bức cung, đạo diễn thực nghiệm hiện trường, mớm lời nhận tội… các điều tra viên tường trình rằng không có việc tra tấn, bức cung như ông Chấn nói. Công luận quá biết ai chất phác trung thực, ai dối trá đến trơ trẽn, vô liêm sỉ.

Rất có thể, bằng động tác chối tội, các điều tra viên mong thoát được sự trừng phạt của pháp luật. Thoát hay không, còn phụ thuộc vào trách nhiệm và năng lực của lãnh đạo và các điều tra viên của VKSNDTC. Bởi theo quy định hiện hành của pháp luật, việc điều tra nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp là của duy nhất VKSNDTC. Rõ ràng, vụ gây oan sai cho ông Chấn là hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm các tội “dùng nhục hình”, “bức cung”, “truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội”… Với chức trách được luật pháp quy định, các cá nhân hữu trách trong VKSDNTC sẽ bị coi là vi phạm pháp luật, nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự những người vi phạm pháp luật trong vụ oan sai của ông Chấn, theo quy định tại điều 294 của Bộ luật Hình sự (Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội). Nhưng đó chỉ là khía cạnh pháp luật.

Bên cạnh pháp luật, còn có tòa án lương tâm và dư luận xã hội. Qua báo chí phản ánh, mọi người đều tin chắc đã xảy ra chuyện ép cung ông Chấn, dẫn đến oan sai. Và các điều tra viên Công an Bắc Giang biết rõ hơn ai hết chuyện ép cung này. Họ cũng biết chắc chắn rằng, khi họ phủ nhận, chỉ những “thằng Bờm” mới có thể nói “ừ”. Họ cũng không thể không biết trước rằng công luận thừa biết họ quanh co chối tội. Thật không còn gì vô liêm sỉ và trơ trẽn hơn! Vì vậy, bình luận vụ chối tội này, đã có 2 tờ báo “lề đảng” (Tri Thức Trẻ và Soha) đánh động công luận “ĐỪNG TRÔNG CHỜ VÀO LƯƠNG TÂM KẺ CƯỚP”.

Ai cũng vậy, sai lầm trong công việc là điều khó tránh. Nhưng thái độ thành khẩn, cầu thị có thể giúp khắc phục phần nào và cũng giúp tránh lặp lại sai lầm. Trong vụ oan sai ông Chấn, với hành vi chối tội, chưa biết các điều tra viên Công an Bắc Giang có tránh khỏi bị pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, nhưng chắc chắn họ đã tự kết án mình một bản án TỬ HÌNH về nhân cách trong tòa án công luận!

Không, họ làm gì có lương tâm! Nên công luận cũng đừng mong có một bản án lương tâm dày vò họ!

V.V.T.

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

NGƯỜI TIÊU DÙNG VIỆT NAM BẮT ĐẦU "TỈNH NGỘ" RỒI CHĂNG?

Dân ngán hàng Tàu, Móng Cái đìu hiu
Thuyền, đò... nằm bất động, những khu trung tâm thương mại vắng bóng người. Cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh những ngày này khác hẳn với không khí sầm uất trước đây. 

Trong khoảng chục năm trở lại đây, chưa bao giờ khu vực cửa khẩu Móng Cái lại đìu hiu như hiện nay. Quốc lộ 18 - con đường độc đạo chạy từ TP. Hạ Long dẫn ra các cửa khẩu Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, Móng Cái chỉ thấy lác đác xe container chạy qua.

Nếu như vài năm trước khi đến cửa khẩu Móng Cái, lượng thuyền, đò, sà lan trên sông Ka Long không đếm xuể, tấp nập hàng lên, hàng xuống từ mờ sáng đến đêm. Đến nay chỉ lác đác trong số này còn hoạt động, số còn lại nằm bất động kín đặc ở các bến sông Ka Long.

Trục đường chính dẫn ra cửa khẩu Bắc Luân vắng người, phương tiện, hàng hóa qua lại.

Thực trạng trên được thể hiện rõ qua kết quả thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái - Cục Hải quan Quảng Ninh. Hoạt đông xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái phụ thuộc nhiều vào hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

Theo thống kê từ 1-1 đến 30-9, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt 2,31 tỷ USD. Trong số này, kim ngạch hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất đạt 706,2 triệu USD, giảm 18,21% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng số container do Chi cục giám sát thực xuất là 9.437 container, giảm 43,5% so với cùng kỳ.

Dạo quanh một vòng các trung tâm thương mại như chợ TOGI, chợ Trung tâm, hình ảnh chung là lèo tèo, thưa thớt người ra vào, thậm chí cửa đóng tĩnh lặng. Chỉ có những sập hàng đầy ắp, đa dạng các loại hàng hóa từ hàng điện tử xen lẫn dưới đống quần áo, chăn, chiếu... đến đồ gia dụng, với cùng xuất xứ “made in China”. Hàng hóa được bày bán la liệt từ bên trong chợ ra tận mặt phố... nhưng vẫn vắng người mua.

Một phần nguyên nhân, theo đánh giá của một số người dân, là do sức mua của thị trường có sự bão hòa, cùng với một số người mất lòng tin đối với hàng Trung Quốc giá rẻ. Đây cũng là tâm lý chung của khách thăm quan lẫn lái buôn nơi đây.

Phóng viên ghi lại một số hình ảnh vắng vẻ nơi đây:

cửa khẩu Móng Cái, chi cục Hải quan, kinh doanh, vắng bóng người, sông Ka Long
Thuyền, đò... nằm bất động bên bờ sông Ka Long.
cửa khẩu Móng Cái, chi cục Hải quan, kinh doanh, vắng bóng người, sông Ka Long
Từ chợ TOGI Móng Cái...
cửa khẩu Móng Cái, chi cục Hải quan, kinh doanh, vắng bóng người, sông Ka Long
... đến Trung tâm Thương mại Vinh Cơ thưa thớt người ra vào.
cửa khẩu Móng Cái, chi cục Hải quan, kinh doanh, vắng bóng người, sông Ka Long
Hàng điện tử, chăn, chiếu...
cửa khẩu Móng Cái, chi cục Hải quan, kinh doanh, vắng bóng người, sông Ka Long
... bày bán la liệt trên hè phố vẫn vắng người mua.

TIN NÓNG: BIỂU TÌNH TRÊN QUỐC LỘ SỐ 5, BAO VÂY UBND XÃ BẰNG CỜ TANG


Tin Nóng: Bà con đang biểu tình ở đường QL 5 trên cầu chui đi Hải phòng bao vây UBND Xã bằng cờ tang, công an, an ninh dày đặc.  Chắc là vụ phá mồ mả của dân mới xảy ra.
Tin và ảnh: FB JB Nguyễn Hữu Vinh



















 

BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM CHƯA HỒI ÂM THƯ CỦA TÔI

09h00 sáng 15.10.2013, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tới trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam, số 1 Tôn Thất Đàm, Ba Đình, Hà Nội để chuyển tới Ông Phạm Bình Minh (ảnh), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao văn thư đề nghị Bộ Ngoại giao sớm ra lệnh thu hồi toàn bộ số sách đã phát hành (biếu tặng), không cho lưu hành và lưu trữ cuốn sách "Tuyển tập các Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" vì những sai sót nghiêm trọng về kiến thức của cuốn sách

Sách in bằng 4 thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp, Hoa) và bản gốc chữ Hán Nôm. Sách được in tại Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, phát hành quý II năm 2013. 

Chủ trì biên soạn là Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới quốc gia, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam.Ban biên tập có ba người: Lê Quý Quýnh, Đinh Ngọc Linh và Phạm Văn Thắm.
Ông Trần Đình Dũng, cán bộ của văn phòng Bộ đã tiếp nhận văn thư và ký vào giấy biên nhận.
____________________
Hà Nội, Ngày 15  tháng 10 năm 2013
Kính gửi: ÔNG PHẠM BÌNH MINH
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa XHCN Việt Nam;

Thưa Ông,

Tôi là Nguyễn Xuân Diện, công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) xin gửi đến Ông lời chào trân trọng, và muốn gửi tới Ông một đề nghị sau:

Vừa qua, Ủy ban Biên giới Quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa xuất bản cuốn sách "Tuyển tập các châu bản triềuNguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và TrườngSa".

Sách in bằng 4 thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp, Hoa) và bản gốc chữ Hán Nôm. Sách được in tại Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, phát hành quý II năm 2013. 

Chủ trì biên soạn là Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới quốc gia, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam. 

Ban biên tập có ba người: Lê Quý Quýnh, Đinh Ngọc Linh và Phạm Văn Thắm.

Một cuốn sách quan trọng, có liên quan đến các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vậy mà ngay trang thứ hai của bài Lời Giới thiệu (của Ban biên tập) đã ghi thế này:

"Vua Gia Long tạ thế năm 1819, cháu nộilà Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi năm 1820, lấy hiệu là Minh Mệnh".

Thật không thể tưởng tượng được! Một cuốn sách viết về Triều Nguyễn mà lại sai đến như thế! Vì ai cũng biết Vua Gia Long là VUA CHA của Vua Minh Mệnh.
Mặc dù trang cuối của cuốn sách đã có bản đính chính cho sai sót tầy trời trên, nhưng chỉ đính chính cho phần tiếng Việt là không thể chấp nhận được!
Nghiêm trọng hơn, cuốn sách "Tuyển tập các Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Nhưng những người làm sách không hiểu thế nào là Châu bản, nên đã đưa một văn bản không phải là Châu bản vào cuốn sách này. Đó là văn bản tờ lệnh Lý Sơn, tuyệt nhiên không phải là Châu bản vì nó là văn bản không có châu phê (lời phê bằng mực son - màu đỏ của nhà vua).
Sách in 2000 bản, ghi rõ ở bìa 4 là SÁCH KHÔNG BÁN. Như vậy sách này do nhà nước bỏ tiền để biên soạn và in ấn, và chủ yếu để biếu tặng trong các hoạt động đối ngoại.
 
Ủy ban Biên giới Quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao đã sử dụng tiền thuế của nhân dân để lo một việc trọng đại của quốc gia, vậy mà những người thừa hành lại để xảy ra những lỗi về kiến thức tồi tệ đến không thể chấp nhận được. 

Tôi đề nghị Bộ Ngoại giao sớm ra lệnh thu hồi toàn bộ số sách đã phát hành (biếu tặng), không cho lưu hành và lưu trữ cuốn sách này.

Trường hợp nếu vẫn muốn lưu hành trở lại thì phải hủy bỏ các trang có sai sót trên và thay bằng trang giấy cùng loại và đã được sửa lỗi. Đặc biệt, phải loại văn bản tờ lệnh Lý Sơn ra khỏi cuốn sách thì mới đảm bảo khoa học.

Thưa Ông,

Như Ông đã biết, các hãng xe hơi Toyota, Nisan...chỉ một lỗi nhỏ họ còn thu hồi hàng triệu xe đã bán để xử lý, huống hồ đây lại là tài liệu về lịch sử, về biên giới lãnh thổ, về quốc gia và danh dự dân tộc nên càng không thể cho qua việc này.

Trân trọng,
Nguyễn Xuân Diện
.


Đăng lúc 09h44, ngày 15 tháng 10 năm 2013


Vậy là sau đúng nửa tháng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh không hồi âm thư của tôi - Nguyễn Xuân Diện

THƯ GỬI ÔNG VŨ ĐỨC ĐAM TRƯỚC KHI ÔNG LÊN PHÓ THỦ TƯỚNG


Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2013
  
BÀI THỨ 4:   THƯ CỦA LUẬT SƯ TRẦN VŨ HẢI GỬI ÔNG VŨ ĐỨC ĐAM  
- BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
(Đề nghị Ông tham mưu cho Thủ tướng giải quyết khiếu nại, tố cáo của các hộ dân bị thu hồi đất tại Văn Giang – Hưng Yên trước khi được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng)

Kính gửi:   Ông Vũ Đức Đam – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Tôi - luật sư Trần Vũ Hải, đang trợ giúp pháp lý cho những hộ dân tại Văn Giang – Hưng Yên do việc họ bị thu hồi đất, liên quan đến dự án Ecopark gửi tới Ông lời chào trân trọng. Tôi xin chúc mừng Ông đã trở thành ứng viên vị trí Phó Thủ tướng Chính phủ để Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm trong kỳ họp đang diễn ra và tin rằng Việt Nam sẽ có những nhà lãnh đạo Chính phủ trẻ tuổi, tri thức, tài ba và sẵn lòng quan tâm đến những người dân bất hạnh. Tôi cảm kích khi nhìn ảnh Ông đã không kìm được nước mắt khi được hỏi liên quan nạn nhân đã bị bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ trái phép gây chết và phi tang xác.

Vì vậy tôi hi vọng rằng, trước khi đảm nhiệm một công việc cao hơn, Ông sẽ quan tâm đến vụ việc Văn Giang mà chúng tôi đã gửi nhiều thư, kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và Ông, nhưng đến nay chưa có phản hồi.

Vụ việc Ecopark - Văn Giang nếu không giải quyết dứt điểm, có tình có lý chắc chắn sẽ xảy ra những hậu quả nghiêm trọng, tất cả những người liên quan, có thẩm quyền sẽ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Vụ việc này liên quan trực tiếp đến số phận của hàng nghìn người dân, cuộc sống của họ có trở lại bình thường hay không phụ thuộc vào thiện chí của nhiều người, trong đó có thiện chí giải quyết từ những thành viên cấp cao của Chính phủ.

Cá nhân tôi vẫn còn hi vọng vụ việc này sẽ được giải quyết ổn thỏa. Nhưng những người dân được tôi trợ giúp đã mất niềm tin vào các cấp chính quyền, tòa án từ địa phương đến trung ương. Họ đã gửi đủ các loại đơn khiếu nại, khởi kiện, tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, nhưng những cơ quan này đều phớt lờ, không giải quyết và cũng không phản hồi. Họ đang mất dần niềm tin vào chính chúng tôi, các luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí cho họ. Chúng tôi đã kiên trì thuyết phục họ sử dụng các biện pháp đấu tranh pháp lý, ôn hòa.

Nhưng tình hình gần đây  ngày càng phức tạp, khi mâu thuẫn ngày càng nghiêm trọng, xuất hiện xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Chúng tôi đã nhận được Thông báo đề ngày 20/10/2013 của bà Vũ Thị Vụ, một trong những người kiên quyết đấu  tranh đòi quyền lợi cho gia đình mình và các hộ dân liên quan đến Dự án Ecopark (có bản photo kèm theo). Theo thông báo này, một số kẻ được Chủ Dự án Ecopark thuê đã có hai lần đe dọa đến tính mạng của bà Vụ trong tháng 9 và tháng 10 năm 2013. Trước đó, do liên quan đến đấu tranh với Dự án Ecopark, bà Vụ và nhiều người dân Văn Giang khác đã bị hành hung nhiều lần. Gần đây, để đấu tranh với nhóm xã hội đen mà theo những hộ dân Văn Giang được Chủ đầu tư thuê, những hộ dân này đã ra Tuyên bố ngày 7/10/2013 với nội dung như sau:
TUYÊN BỐ CỦA NHÂN DÂN BA XàPHỤNG CÔNG,
XUÂN QUAN, CỬU CAO HUYỆN VĂN GIANG

Chúng tôi những người nông dân bị cướp đất cho dự án đô thị Ecopark (khu đô thị thương mại du lịch Văn Giang).
Trong 9 năm vừa qua, chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại tố cáo đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng đến nay các cơ quan pháp luật đó vẫn cố tình không giải quyết. Để mặc nhà đầu tư dùng xã hội đen đàn áp nhân dân để cướp đất. Chúng tôi, 1244 hộ dân có đất bị cướp không thể chịu đựng thêm được nữa. Xin tự nguyện đăng ký mỗi hộ dân ít nhất một người quyết CẢM TỬ với bọn cướp đất để bảo vệ đất đến cùng. 
Văn Giang, ngày 7 tháng 10 năm 2013.
Cá nhân tôi không đồng ý với Tuyên bố này của các hộ dân. Với trách nhiệm của một luật sư, tôi cố gắng tận dụng mọi cơ hội để vụ việc được giải quyết và không để xảy ra bạo lực dưới bất kỳ hình thức gì. Tôi hi vọng rằng, cá nhân Ông cũng đồng ý với tôi về phương thức giải quyết này, nhận trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ  những ngòi nổ về đất đai tại Văn Giang, đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa các hộ dân bị thu hồi đất, Chủ đầu tư và chính quyền địa phương trên cơ sở pháp luật và thiện chí của các bên liên quan.

Chúng tôi xin nhắc lại những thư, kiến nghị, tố cáo sau đã gửi đến Ông và Thủ tướng Chính phủ (có các bản photo kèm theo  Thư này)

1.   Thư đề nghị cung cấp thông tin đề ngày 08/05/2012 gửi đến Ông
2.  Kiến nghị số 01 đề ngày 22/05/2012 gửi Thủ tướng Chính phủ  đề nghị  Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban lâm thời theo Điều 20 khoản 4 Luật Tổ chức Chính phủ để xem xét những vấn đề liên quan đến dự án Khu đô thị thương mại, du lịch Văn Giang – dự án Ecopark.
3.  Kiến nghị số 03 đề ngày 24/7/2012 gửi đến Ông, đề nghị Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giúp Thủ tướng và Chính phủ giải quyết những khiếu nại, tố cáo của các hộ dân bị thu hồi đất tại Văn Giang
4.  Kiến nghị số 05 ngày 16/01/2013 gửi Thủ tướng Chính phủ (cùng tập tài liệu kèm theo, có đồng kính gửi đến Ông).
5.  Đơn tố cáo UBND tỉnh Hưng Yên ngày 28/5/2013 của những hộ dân Văn Giang gửi Thủ tướng Chính phủ.

Chúng tôi xin nhắc lại đề xuất của các hộ dân đang khiếu kiện, trong đó có những hộ dân có kinh nghiệm trồng cây cảnh (Văn Giang có một số làng chuyên cây cảnh có truyền thống và nổi tiếng ở miền Bắc), là giữ lại khoảng 130 ha đất để họ chuyên trồng cây cảnh trong (hoặc ngoài) Dự án đô thị sinh thái Ecopark. Đây là đề xuất hợp lý và thiện chí của các hộ dân, nếu chấp nhận sẽ giải quyết được toàn bộ những vấn đề của Dự án.

Mặc khác, trong tình hình khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, với khả năng tài chính yếu kém của Chủ đầu tư, rất khó thực hiện được Dự án theo như Chủ đầu tư cam kết,  việc điều chỉnh Dự án là tất yếu. Một giải pháp hài hòa sẽ là lối thoát duy nhất cho các bên, gồm cả cho các hộ dân đang khiếu kiện, Chủ đầu tư đang và chính quyền địa phương. Những người có kiến thức, kinh nghiệm và thiện ý, trong đó có Ông sẽ biết cách chỉ cho các bên lối thoát.

Lần cuối cùng, chúng tôi trân trọng đề nghị Ông quan tâm đến số phận của hàng nghìn người dân Văn Giang, tham mưu Chính phủ giải quyết vụ việc để giúp những người dân này an tâm sống, làm việc trên mảnh đất của mình, chấm dứt những ngày tháng mệt mỏi vì tranh chấp đất đai, phục hồi niềm tin vào pháp luật cho họ.

Kính đề nghị Ông sớm bố trí lịch làm việc với chúng tôi và đại diện các hộ dân để chúng tôi trình bày rõ hơn về nội dung sự việc và nguyện vọng của các hộ dân. 

Trân trọng.
Luật sư Trần Vũ Hải

Địa chỉ liên hệ: số 81 phố chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. 

Nơi gửi: 
-    Như trên 
-    Đại diện những hộ dân bị thu hồi đất tại Văn Giang – Hưng Yên yêu cầu luật sư trợ giúp pháp lý.

Tài liệu kèm theo Thư này: ( các bản photo)
  1. Thư đề nghị cung cấp thông tin đề ngày 08/05/2012
  2. Kiến nghị số 01 đề ngày 22/05/2012
  3. Kiến nghị số 03 đề ngày 24/7/2012
  4. Kiến nghị số 05 ngày 16/01/2013
  5. Đơn tố cáo UBND tỉnh Hưng Yên ngày 28/5/2013
  6. Thông báo đề ngày 20/10/2013 của bà Vũ Thị Vụ