Phạm Chí Dũng:
Tâm thư gửi Quốc hội
Tâm thư gửi Quốc hội
Hiến pháp mới – cơ hội cuối cho một triều đại
Hãy hỏi vì sao và do ai?
38 năm sau ngày đất nước thu về một mối, chưa bao giờ lòng dân Việt Nam ly tán như hiện thời. Hãy hỏi vì sao và do ai?
Một phần tư thế kỷ từ khi đất nước mở cửa kinh tế, chưa bao giờ xã hội và đời sống dân sinh lại bị các nhóm lợi ích tài phiệt và nhóm thân hữu chính trị lũng đoạn và siết nghẹt như hiện thời.
Hãy hỏi vì sao và do ai?
Một thập kỷ sau Hiến pháp 1992 đã chỉ xác nhận nạn tham nhũng không giới hạn, đạo đức xã hội tột cùng nhiễu nhương, chính trị tiệm cận vùng đáy đạo lý, lòng dân và lòng người chỉ chực chờ bùng nổ. Hãy hỏi vì sao và do ai?
Sau 6 năm đất nước chìm ngập trong cơn khủng hoảng toàn diện, vẫn hầu như không có bất kỳ nội dung nào nhằm tránh thoát thảm cảnh xuống cấp ghê gớm về kinh tế, xã hội, chính trị và lòng dân được đưa vào dự thảo hiến pháp mới. Sự thay đổi lộ hình duy nhất chỉ đến từ phát ngôn của người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng: “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp”. Hãy hỏi vì sao và do ai?
Chỉ một tháng trước khi kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII khai mạc vào tháng 10/2013, lần đầu tiên xã hội Việt Nam chứng kiến hành động người dân Đặng Ngọc Viết xả súng vào giới chức chính quyền. Hình ảnh đối kháng chưa từng có tiền lệ này lại diễn ra ngay tại Thái Bình – quê hương của Cách mạng và của truyền thống kháng chiến. Hãy hỏi vì sao và do ai?
Bất chấp vô số khuyến dụ của Đảng và Quốc hội về việc “tuyệt đại đa số nhân dân đồng tình với dự thảo sửa đổi hiến pháp”, vẫn không có bất cứ nội dung nào trong bản dự thảo mới nhất trình Quốc hội điều chỉnh về quan niệm sở hữu đất đai toàn dân – điều bị xem là nguồn gốc gây ra hàng chục ngàn cuộc khiếu kiện lớn nhỏ hàng năm, tạo ra một giai cấp tài phiệt dã man và khiến sinh sôi một tầng lớp dân oan khốn cùng trong xã hội Việt Nam đương đại, đẩy cao đến tột cùng trạng thái phẫn uất của người dân mất đất. Hãy hỏi vì sao và do ai?
Ngay cả cơ chế thu hồi đất đối với các dự án kinh tế – xã hội – bị xem là nguồn gốc tội ác gây ra thảm cảnh nông dân bị đẩy đuổi khỏi đất đai và không kế sinh nhai, cũng bị quán tính vô cảm cùng tư tưởng quyền lợi đặc chủng thao túng Quốc hội, để đến nay vẫn không có bất kỳ điều chỉnh nào cho tình thế dân oan bớt thảm thương. Hãy hỏi vì sao và do ai?
Quốc hội là gì hở mẹ?
Gần bảy chục năm sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chưa bao giờ dân tộc trượt gần với tình cảnh dân sinh rách nát, dân tình bần cùng, hỗn loạn xã hội cùng một cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc như hiện thời. Cũng chưa bao giờ những người nhân danh sự nghiệp “của dân, do dân, vì dân” lại nhắm mắt phủ nhận sự nghiệp lòng dân đến thế: nước nâng thuyền nhưng nước sẽ lật thuyền.
Một trong những nguồn cơn gây ra cuộc khủng hoảng xã hội mà có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị như thế chính là Hiến pháp năm 1992 – với quá nhiều bất cập và bất công về quyền con người, kinh tế và chính trị.
Nếu tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, bản hiến pháp mới được thông qua theo tinh thần “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” và bất chấp rất nhiều ý kiến tâm huyết liên tục đóng góp từ đầu năm 2013 đến nay của giới nhân sĩ, trí thức, các tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, phản biện của các nhà nước và tổ chức trên thế giới…, tương lai của dân tộc sẽ càng có cơ hội bị chung quyết chỉ bởi một nhóm thiểu số đặc quyền và đặc lợi.
Tương lai và những đặc quyền đặc lợi ấy sẽ không có mặt nhân dân!
Tương lai và những đặc quyền đặc lợi ấy đã, đang và sẽ đi ngược lại lời dạy tiền nhân về “Lấy dân làm gốc”!
Tương lai và những đặc quyền đặc lợi ấy, trớ trêu thay, lại lộ diện trong tình cảnh nhà nước Việt Nam buộc phải nương theo xu thế dân chủ của cộng đồng quốc tế, sẽ càng mang tính bác bỏ đối với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Nhà nước Việt Nam đã ký kết vào năm 1982!
Tương lai và những đặc quyền đặc lợi ấy sẽ là thảm họa cho đất nước trong không bao lâu nữa mà trách nhiệm thuộc về giới cầm quyền!
Tương lai cay đắng ấy chỉ có thể bớt màu u tối khi và chỉ khi các đại biểu dân bầu thấm thía tiếng lòng của các em bé “Quốc hội là gì hở mẹ?”.
Điều được xem là “cơ hội lịch sử” của Hiến pháp cũng là cơ hội cuối cùng cho một triều đại.
Vượt hơn rất nhiều ý nghĩa về sự tồn tại một thể chế, lịch sử dân tộc Việt Nam vẫn luôn chứng nghiệm không một chế độ chính trị nào có thể cất cánh với ít nhất một bản hiến pháp đổ nát.
Kiến nghị
Hoàn toàn thủy chung với ước nguyện cháy bỏng của tinh thần “lấy dân làm gốc” và quá nhiều bài học thấm thía từ lịch sử, tôi xin kiến nghị Quốc hội:
1. Dừng việc thông qua bản Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 6 quốc hội khóa XIII.
2. Kéo dài thời gian thảo luận về Hiến pháp đến cuối năm 2014 và thành tâm tổ chức nghiên cứu, tranh luận một cách thẳng thắn, nghiêm túc và công khai về những điều cơ bản của thể chế chính trị đang còn nhiều ý kiến khác nhau.
Quốc hội bổ sung quy định về việc hình thành tổ chức giám sát độc lập đối với toàn bộ quá trình thu thập ý kiến người dân, tổng hợp, soạn thảo và công bố văn bản dự thảo Hiến pháp. Tổ chức giám sát này bao gồm cả nhóm “Kiến nghị 72” với nhiều ý kiến đóng góp từ đầu năm 2013 đến nay.
3. Hiến pháp mới phải bảo đảm:
- Tôn trọng quyền con người một cách thực chất, theo đúng Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
- Đa dạng hóa sở hữu đất đai; bổ sung hình thức sở hữu đất đai tập thể và sở hữu đất đai tư nhân.
- Trong thời gian chờ hiến pháp mới ban hành, Luật Đất đai cần bổ sung ngay quy định “Không thu hồi đất đối với các dự án kinh tế – xã hội”.
- Cải cách nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa; bỏ quy định kinh tế quốc doanh chủ đạo và bãi bỏ cơ chế độc quyền kinh tế.
- Xây dựng nhà nước pháp quyền và cơ chế tam quyền phân lập.
- Quy định lực lượng vũ trang chỉ trung thành với Tổ quốc.
4. Nhanh chóng ban hành Luật Biểu tình, Luật Lập hội và Luật Trưng cầu dân ý.
Myanmar!
Chỉ bị ngăn cách với Việt Nam bởi chưa đầy một trăm cây số đường biên giới với Trung Quốc, đất nước Myanmar đã thật sự chuyển mình và hồi sinh, bằng vào sự chuyển mình và thức thời của Tổng thống Thein Sein cùng tầng lớp điều hành chính trị thoát thai từ vài thập kỷ quân phiệt.
Ngẫu nhiên, Myanmar lại là một bài học đáng giá cho tương lai của Việt Nam, nếu giới điều hành chính trị Việt Nam đủ thức thời và biết cách tận dụng ít cơ hội cuối cùng.
Khi và chỉ khi Hiến pháp mới được sửa đổi hợp với lòng dân và bảo đảm các quyền cơ bản và quyền lợi của nhân dân Việt Nam, đất nước mới thật sự phát triển và thể chế chính trị mới có lý do để tồn tại.
Hoặc ngược lại!
Ngày 7 tháng 11 năm 2013
Người viết tâm thư
Phạm Chí Dũng
Cử tri, nhà báo
Địa chỉ: 298/4 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 1, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh
ĐT: 01235459338
Email: vietleminhquan@gmail.com
Ghi chú: Tâm thư này được gửi đến Ủy ban thường vụ quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân TP.HCM
***************
Thư đề nghị chất vấn
Kính gửi: Thường trực Hội đồng nhân dân TP. HCM
Ngày 7/11/2013, tôi đã gửi bản tâm thư cho Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân TP. HCM, kiến nghị về một số vấn đề liên quan đến dự thảo sửa đổi hiến pháp.
Căn cứ vào quyền chất vấn của cử tri theo luật định, tôi đề nghị được làm việc với đại diện của Hội đồng nhân dân TP. HCM về những nội dung tôi đã trình bày trong bản tâm thư đã gửi.
Mong sớm nhận hồi âm.
Xin chân thành cám ơn.
Ngày 7 tháng 11 năm 2013
Người đề nghị
Phạm Chí Dũng
Cử tri, nhà báo
Địa chỉ: 298/4 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 1, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh
ĐT: 01235459338
Email: vietleminhquan@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét