Dân hỏi, đại biểu trả lời đi
Theo Canhco BlogTrong lần họp Quốc hội vào tháng 10 năm 2013 này, là người dân có quan tâm và hiểu biết ít nhiều về chức năng, trách nhiệm và quyền hạn của Quốc hội tôi cảm thấy có bổn phận đưa ra mấy điều mà hàng xóm, nơi tôi làm việc cũng như những cộng đồng nhỏ thân cận với gia đình chúng tôi quan tâm. Những điều này gói lại trong vài câu hỏi mà tôi tin rằng có hàng triệu cử tri muốn hỏi như tôi.
Là người được bầu lên, không ít thì nhiều đại biểu đã ý thức được tầm quan trọng của mình trước lá phiếu cử tri và từ ý thức đó chúng tôi tin rằng lời nói của các ông bà đại biểu trong nghị trường quốc hội biểu hiện năng lực, tư duy, trình độ kể cả lòng tự trọng, phẩm giá đạo đức và nhiều khi là sự can đảm.
Từ khi Quốc hội khai mạc, cử tri chúng tôi nhận thấy một đề tài cực kỳ quan trọng được trình lên đại biểu xem xét đó là Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992. Dự thảo này được ông Phan Trung Lý đại diện ngầm cho đảng đưa lên mà khi xem tường thuật qua báo chí, truyền hình cử tri hết sức bất mãn nếu không muốn nói là tuyệt vọng. Chúng tôi cảm thấy bị phản bội, bị lừa như những đứa trẻ con lớn tuổi.
Đại biểu quốc hội và hiến pháp là một ràng buộc hết sức ý nghĩa, bởi người làm luật chính là các đại biểu trực tiếp bỏ phiếu thông qua nó. Hiến pháp sẽ không cần sửa đổi nếu người dân thấy nó phục vụ đắt lực cho đất nước, con người nếu nó hướng dẫn và hoàn thiện xã hội bằng những quy định hợp lý không thể thay thế. Khi xuất hiện một vấn đề lỗi thời cần cập nhật trong bản hiến pháp thì sự sửa đổi là cần thiết và lúc ấy đại biểu một lần nữa sẽ là người xem xét để bản hiến pháp của quốc gia hoàn thiện và hiệu quả hơn.
Người có quyền bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp không ai khác hơn là toàn bộ đại biểu Quốc hội. Không phải chỉ có các ông Tổng Bí thư hay ông Thủ tướng, Chủ tịch nước, mặc dù các ông ấy cũng kiêm luôn đại biểu Quốc hội. Đã bao năm nay các ông ấy đã nhiều lần vượt tuyến, lấn áp lá phiếu của đại biểu Quốc hội một cách vô tư thông qua lời lời nói hay lệnh ngầm.
Hiến pháp 1992 lần này được chú ý vì nó đã tỏ ra quá lỗi thời ở nhiều điều và người dân khi nghe tin nó sẽ được sửa đổi thì làn sóng phấn khích nổi lên khắp nơi, chứng tỏ rằng đất nước không phải lúc nào cũng trầm tư trong tư thế cam chịu như nhiều người vẫn nghĩ. Nổi bật hơn hết là kiến nghị 72 mà tôi tin không đại biểu Quốc hội nào mà không biết đến.
Kiến nghị 72 ấy đã thực sự làm một cuộc cách mạng trả lại cho người dân ý thức quyền lực trong một bản hiến pháp. Nó chỉ ra các sai sót mà trước đây nhiều năm do hoàn cảnh ý thức hệ, do chiến tranh và do cả sự chiếm hữu của chủ thuyết cộng sản đã khiến Hiến pháp trở thành tấm khiên che chở những sai lầm cho nhà nước hơn là giúp cho nhà nước thi hành bổn phận của mình trong khuôn khổ pháp luật mà hiến pháp quy định.
Hiến pháp ấy phải thay đổi là tất yếu, bởi thay đổi là sự vận động của một nền chính trị đặt nền tảng dân chủ làm hướng đi và khó thể nói rằng lúc này chưa thích hợp hay lúc kia sẽ xem xét.
Ông Tổng bí thư đã nói như thế khi Quốc hội chưa khai mạc và sau khi khai mạc, ông Phan Trung Lý một lần nữa nói theo ông Tổng.
Còn các đại biểu Quốc hội thì sao?
Các vị đều biết rằng trong kiến nghị 72 đó đã đề nghị sửa đổi hầu như tất cả những vấn đề hệ trọng đang trói buộc đất nước trên con đường phát triển. Chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cầm quyền, bản chất lực lượng vũ trang, chế độ sở hữu toàn dân cùng một số vấn đề cấp bách khác. Từ bản Dự thảo sửa đổi hiến pháp do kiến nghị 72 đề nghị người dân có quyền hy vọng rằng một chế độ thực sự vì mình mà làm việc sẽ xuất hiện.
Theo báo chí tường thuật thì ở các buổi thảo luận nhóm về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của ông Phan Trung Lý chuyển đạt lên hoàn toàn không có nội dung nào của kiến nghị 72 và thái độ của đại biểu là ‘đa số tán thành’ hoặc ‘không còn nhiều vấn đề lớn gây tranh cãi’.
Ông Phan Trung Lý thay cho đảng nói: Về tên nước thì ủy ban sửa Hiến pháp thấy rằng cần giữ lại quốc hiệu hiện nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì ‘nhất quán với con đường mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn’ và ‘đã thân quen với nhân dân ta’.
Câu hỏi thứ nhất cho đại biểu: Có ai hỏi ông Lý giúp cử tri chúng tôi rằng nhân dân nào lựa chọn tên nước với cái đầu đề vô nghĩa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa, khi chính ông Nguyễn Phú Trọng mới đây đã buột miệng thừa nhận là đến cuối thế kỷ này chưa chắc đã thấy cái chủ nghĩa hư vô ấy. Vậy cử tri chúng tôi phải nhắm mắt làm lừa chở cái hệ thống nặng nề ấy trên lưng cả trăm năm nữa thì có phí phạm quá hay không?
Ngay cả nếu chúng tôi có ngu ngốc chọn nó đi chăng nữa thì lần sửa đổi hiến pháp này phải cho chúng tôi tự nguyện sửa lại theo đúng tinh thần tỉnh thức. Nhà nước không có quyền lợi dụng sự u mê của chúng tôi trong quá khứ để buộc cổ người dân vào cỗ xe cọc cạch này mãi. Đó là chưa nói sự u mê ấy do chính nhà nước chỉ đạo, khuynh loát và thực hiện.
Câu thứ hai, dân hỏi: Vai trò lãnh đạo của đảng là tuyệt đối thông qua điều 4 vẫn không bị gạt ra lần này và đại biểu tán thành cho nó là vì sao?
Nếu bỏ phiếu cho điều 4 hiến pháp tồn tại có nghĩa là bỏ phiếu thuận cho vai trò của đại biểu tuột xuống hàng thứ cấp, tiếp tục chịu sự sai khiến của đảng như từ bao lâu nay và cơ hội này sẽ không bao giờ tới nữa, ngoại trừ một cuộc cách mạng nổ ra tẩy chay đảng lẫn người chịu sự chi phối của nó là đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.
Câu thứ ba, dân hỏi: Chế độ sở hữu toàn dân có phải là công cụ hữu hiệu và hợp lý nhất trong vấn đề đất đai hay không? và nếu hợp lý hợp tình tại sao người dân khiếu kiện đất đai khắp nước vẫn ngày một nhiều hơn, mức độ trưng thu đất của dân ngày một dày dặc hơn và biểu ngữ treo trước quốc hội ngay trong khóa này đang làm xốn xang mọi cặp mắt khi nhìn thấy nó?
Nó đây: "Quốc hội phản bội lại dân, vô trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, làm ngơ cho chính quyền cướp đất của dân Dương Nội Hà Đông".
Chỉ cần bước ra khỏi hội trường vài con đường là tấm biều ngữ màu đen chữ trắng này sẽ nói cho đại biểu biết tại sao nó được viết ra, treo lên và làm chứng cho những gì mà người dân muốn nói: sự vô trách nhiệm của các đại biểu quốc hội khiến người nông dân mất đất đã không ngần ngại gọi các đại biểu là những kẻ phản bội. Cách gọi này có khi quá lời nhưng nếu so với mất mát của họ thì vẫn không thấm vào đâu.
Muốn không mang tiếng phản bội họ thì đại biểu chỉ cần bỏ phiếu chống lại Dự thảo sửa đổi hiến pháp của ông Phan Trung Lý và đòi hỏi hiến pháp phải được viết lại theo đúng tinh thần vì dân, thay vì vì đảng mà phục vụ.
Hãy xem kỹ cái dự thảo này từng chữ để biết rằng họ đang phù phép ngôn ngữ để đánh lận những đại biểu có tầm nhìn dưới thắt lưng. Về luật đất đai, trong dự thảo sửa đổi họ viết: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Đại biểu thấy gì ở cụm từ phát triển kinh tế-xã hội núp sau cái bóng quốc gia?
Nếu có đại biểu nào lên tiếng cho rằng mình đã phát biểu mạnh mẽ về nhiều vấn đề kinh tế - xã hội đặc biệt là các biểu hiện xuống cấp đạo đức hồi gần đây thì xin thưa ngay với những vị ấy: Đại biểu đang lấy rổ múc nước. Dù nước có đọng lại trong rổ chút ít thì cũng chỉ lấp lánh, làm dáng chứ không hề giải quyết được gì nếu điều 4 hiến pháp và đất đai sở hữu toàn dân vẫn còn nằm đó thách thức cả nước vì sự thiếu can đảm của đại biểu.
Dân hỏi, các đại biểu khóa này trả lời đi đừng tránh né bằng các tuyên bố mang tính chất "câu view".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét