Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

GIỚI TRÍ THỨC KIẾN NGHỊ CHƯA THÔNG QUA DỰ THẢO HIẾN PHÁP 1992 SỬA ĐỔI

 

Diễn đàn Lý luận phát triển: 
Kiến nghị chưa thông qua Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi

Lời giới thiệu: Diễn đàn Lý luận phát triển, hoạt động trong khuôn khổ của Viện Những vấn đề phát triển (VIDS) trực thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (VUSTA), do ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội chủ trì. 

Thành viên của Diễn đàn này  hầu hết là các cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước như Trần Đình Hoan (đã mất), Đặng Quốc Bảo, Đặng Hữu, Vũ Quốc Tuấn, Thang Văn Phúc, Đặng Hùng Võ, Lưu Bích Hồ, Bùi Đức Lại, …

Diễn đàn họp thường kỳ mỗi tháng, thảo luận theo chủ đề liên quan đến phát triển và bảo vệ đất nước. Sản phẩm của các cuộc thảo luận là thông tin – tri thức cho mỗi thành viên sử dụng với tư cách cá nhân và thỉnh thoảng làm kiến nghị chung chỉ gửi cho lãnh đạo ĐCSVN và Nhà nước, không công bố rộng rãi. Lần này có lẽ là một ngoại lệ chăng?

Chu Hảo
________________________


   CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Kính gửi:
 -  BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
 -  QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XHCN VIỆT NAM
 -  BAN CHỈ ĐẠO VÀ BAN BIÊN TẬP  SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992

DIỄN ĐÀN LÝ LUẬN PHÁT TRIỂN đã được thành lập hơn 3 năm. Trước những vấn đề hệ trọng của đất nước, các thành viên của Diễn đàn tham gia với tinh thần trách nhiệm, xây dựng  và có những ý kiến đề xuất cụ thể thông qua Viện Những vấn đề phát triển (VIDS).

Hơn 1 năm qua, chương trình sửa Hiến pháp 1992  đã là một trọng tâm trong  sinh hoạt  của Diễn đàn với nhiều chuyên đề nhằm tìm hiểu quá trình phát triển của Hiến pháp Việt Nam và đã góp nhiều ý kiến đề xuất sửa đổi  – Diễn đàn đã tổ chức đối thoại trực tiếp với các nhà khoa học (có cả một số thành viên trong Ban biên tập). Qua đó đã khẳng định những giá trị có tính lịch sử và những giá trị pháp lý của Hiến pháp Việt Nam. Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này là một mốc lịch sử vô cùng quan trọng. Có thể nói đây là bước bản lề cho một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam. Do đó, chúng tôi muốn bày tỏ một lần nữa ý nguyện của DIỄN ĐÀN lên Trung ương một số ý kiến nhân dịp TW  họp có nội dung về Hiến pháp sửa đổi:

1.Về Lời nói đầu và những vấn đề chung: chúng tôi cho rằng nên đặt Hiến pháp đúng tầm  ở bộ luật  cao nhất. Do đó không chỉ giới hạn ở một khung lý luân chính trị của Đảng mà còn cần tiếp thu tinh hoa nhân loại … đó cũng  là tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ngay trong Hiến pháp 1946.

2. Về Thể chế chính trị, chúng tôi cho rằng trong quá trình phát triển và hội nhập, nền tảng và động lực phát triển không chỉ là liên minh một số giai cấp mà phải là Khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó Hiến pháp nên nêu cao nguyên tắc bình đẳng -  không nên thể hiện sự phân biệt thành phần,  giai cấp.

3. Về vấn đề Quyền con người và quyền công dân. Chúng ta khẳng định mục tiêu: dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, … khẳng định các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, …biểu tình, …nhưng nếu vẫn diễn  đạt với mô thức: “theo quy định của pháp luật” thì  mặc nhiên các quyền trên sẽ là không khả thi và bị hạn chế.

4. Về quan điểm phát triển trong kinh tế, sở hữu toàn dân” là khái niệm chính trị, không tương thích với khái niệm pháp lý của Hiến pháp bởi vì “sở hữu toàn dân”  không  xác định ai là người có quyền thực sự  - dẫn đến tình trạng rất lúng túng trong quản lý như  thời gian vừa qua.  Không nên giữ quan điểm cũ phân biệt thành phần chủ đạo hay không chủ đạo. Điều này triệt tiêu động lực rất to lớn trong xã hội và khả năng hội nhập quốc tế toàn diện, giảm khả năng huy động các nguồn lực phát triển trong và ngoài nước

5. Liên quan Luật Đất đai và các quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, những quan điểm gây tranh cãi như “thu hồi”, “thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội”… phải chăng nên cân nhắc , cần chặt chẽ hơn …phải ở cấp nào, mức độ  và có một tổ chức định giá độc lập… Trên thế giới, việc thu hồi đất để phát triển, không phải chỉ có đền bù 1 lần bằng tiền là xong  như ở Việt Nam. Bởi vì giá trị về đất đai  là loại tài sản đặc  biệt – là tài nguyên , việc đền bù phải bao gồm cả bồi thường tài sản và kèm theo đó là bồi thường sinh kế. Ý nghĩa của tài sản đặc biệt ở chỗ  là tài nguyên, đất đai còn là tư liệu sản xuất – có ý nghĩa sinh kế lưu truyền cho các đời sau…

Tóm lại, quá trình sửa Hiến pháp vừa qua cho thấy nhận thức về lý luận và thực tiễn phát triển được sâu sắc hơn: Nhận thức về quyền lực, về quyền con người, quyền cơ bản của  công dân và thể chế chính trị, kinh tế thực thi các quyền ấy –  đã đặt Đảng và Nhà nước ta đang đứng trước thử thách rất lớn, tình hình kinh tế xã hội đứng trước  những khó khăn có tính chất sống còn, “quyền làm chủ của người dân ở nhiều nơi còn bị vi phạm nghiêm trọng”  (Báo cáo tổng kết … 20 năm đổi mới).

Hiến pháp  là luật gốc, việc sửa đổi lần này nếu không có gì mới chung quanh những vấn đề nêu trên sẽ là thất vọng lớn với dân – NIỀM TIN, động lực phát triển  không còn nữa thì  sẽ rất nguy. Sự tụt hậu trên nhiều lĩnh vực kéo dài,  cộng với nhiều điều căn bản của Hiến pháp không có gì đổi mới thì chúng tôi cho rằng nên lui lại việc thông qua  trong thời gian này.  Với HIẾN PHÁP: Thà chậm mà AN TOÀN còn hơn là vội vàng, cố gắng thông qua sẽ để lại những hạn chế và  hậu quả  khó lường.

Hà Nội, ngày  30   tháng  9  năm 2013
DIỄN ĐÀN LÝ LUẬN PHÁT TRIỂN


Ý kiến nhận xét góp ý xin gửi về địa chỉ: nguyenvikhai@gmail.com 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét