Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

GS. HUỆ CHI 'ĐẠO VĂN" HAY NHÀ PHÊ BÌNH NGUYỄN HÒA VU KHỐNG?

 

Giáo sư Huệ Chi “đạo văn” 
hay là nhà phê bình Nguyễn Hoà vu khống?

Đặng Văn Sinh

Vẫn biết, với những ai không cùng chung một mặt bằng trong đối thoại, thì nhiều khi lên tiếng chất vấn, công kích người khác lại trở thành độc thoại, và người bị công kích mà không trả lời có thể càng thêm uy tín; nhưng sự im lặng của GS Nguyễn Huệ Chi trước những câu hỏi có vẻ thách thức của ông Nguyễn Hoà khiến chúng tôi, một người từ lâu có dõi theo con đường học thuật và hoạt động xã hội của GS Huệ Chi mà không có hân hạnh quen ông, từ chỗ tò mò đến băn khoăn tìm hiểu, thấy đã đến lúc phải lên tiếng với công luận một đôi điều. Bài viết của chúng tôi gồm hai phần, nhằm giải đáp hai câu hỏi trong số ba câu của ông Hoà, còn câu cuối, ông mượn lại lời GS Nguyễn Đình Chú (một người thầy đáng kính), vì không phải là người trong cuộc, xin nhường cho người khác có đủ thẩm quyền hơn mình, bởi xét ra, câu hỏi ấy hẳn liên quan đến nội tình lịch sử một thời kỳ dài của Viện Văn học.

I – SỰ KHÁC NHAU GIỮA NGUYỄN LANG VÀ NGUYỄN HUỆ CHI 

I.1. – “Thượng sĩ hành trạng” của Trần Nhân Tông là hồ sơ gốc về Trần Tung

Tuần báo Văn nghệ số 41, trang 16 và 24, ra ngày 12 tháng 10 năm 2013 có đăng bài “Đôi điều gửi tới GS Nguyễn Huệ Chi ” của nhà phê bình Nguyễn Hoà. Bài viết với phong cách đao to búa lớn, phê phán cuốn sách Văn học cổ cận đại Việt Nam - Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật của GS Nguyễn Huệ Chi vừa được NXB Giáo dục ấn hành đầu năm 2013. Trong bài, Nguyễn Hoà gán cho GS Nguyễn Huệ Chi một số “tội” mà quan trọng nhất là “tội” “đạo văn”. Sau những lời dẫn giải hết sức ngạo mạn về lý do không đến L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội) dự tọa đàm trao đổi về cuốn sách, ngay ở mục 1, Nguyễn Hoà thả một câu hỏi đầy khiêu khích:

“GS Nguyễn Huệ Chi "đạo văn" hay "phóng tác" từ tác phẩm của Trần Nhân Tông nhưng lờ đi, không nói rõ nguồn gốc, hoặc ông bắt chước Nguyễn Lang (đoạn của Nguyễn Lang khá dài nên không dẫn lại, có thể tìm đọc trong: Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 1, NXB Lá bối, SG, 1973, từ tr.276 đến 279; và Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn học, H, 2008, từ tr.256 đến tr.258), rất mong GS Nguyễn Huệ Chi tường giải vấn đề này”.

Trước khi cầm bút, chúng tôi đã tìm đọc kỹ những phần có liên quan đến các mục mà ông Nguyễn Hoà dẫn chứng trong bài viết đã dẫn, gồm cả bản dịch và bản gốc (nguyên văn chữ Hán) như Đại Việt sử ký toàn thư (Kỷ nhà Trần); Thượng sĩ ngữ lục; An Nam chí lược của Lê Trắc (dẫn Nguyên sử); Việt sử thông giám cương mục; Việt Nam Phật giáo sử luận (NXB Lá Bối, Sài Gòn, 1973), chương 11: “Tuệ Trung Thượng sĩ”; Thơ văn Lý - Trần, Tập I, 1977; Thơ văn Lý - Trần, Tập II, Q. thượng, NXB Khoa học xã hội, H., 1989; Tạp chí văn học số 3, 1977, với mục đích để làm căn cứ cho việc phân tích dưới đây xem có đúng là GS Nguyễn Huệ Chi “đạo văn” hay không.

Về phía Nguyễn Hoà, muốn cho bạn đọc thấy là mình không “vu khống”, ông đã làm một bảng so sánh hai văn bản, một bên rút từ “Thượng Sĩ hành trạng” trong Thượng Sĩ ngữ lục của Trần Nhân Tông (khoảng 484 chữ) và một bên trích từ “Trần Tung, một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền Lý - Trần” (khoảng 750 chữ) của GS Nguyễn Huệ Chi. Sở dĩ số lượng chữ viết của Nguyễn Huệ Chi nhiều như thế, theo Nguyễn Hoà, là bởi tác giả này “thành thạo thủ pháp huy động “mắm, muối, gia vị” thêm thắt cho dài dòng, màu mè mà thôi…”. Trên thực tế, quả thật hai văn bản khá giống nhau, và không thể phủ nhận một điều, khi viết công trình của mình, Nguyễn Huệ Chi đã tham khảo từ trước tác của Trần Nhân Tông. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào thao tác đó mà khẳng định Nguyễn Huệ Chi “đạo văn” từ Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục thì Nguyễn Hoà đã bé cái nhầm. Chưa nói đến việc, GS đã có thái độ rất thận trọng của một người làm khoa học khi ở cuối trang 376, ông ghi dòng chú thích nêu rõ xuất xứ tư liệu: “(1) Nguyễn Huệ Chi dịch. Thơ văn Lý –Trần, Tập II, Q. thượng, NXB Khoa học xã hội, H., 1989. Tài liệu về Tuệ Trung Thượng sĩ sử dụng trong bài viết này rút từ Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, in chung với Tam tổ thực lục, 1903, A.2048, và Thơ văn Lý - Trần, Tập II, Q. thượng, 1989, Sđd”. Nhưng đấy chưa phải là điểm chủ yếu. Điều cần nói ở đây là, những loại sách chúng tôi vừa nêu đều được coi là “sách công cụ” không thể thiếu đối với người nghiên cứu khoa học. Mà nếu đã là sách công cụ thì bất cứ ai cũng có quyền tham khảo, trích dẫn cho công trình của mình miễn là có chú thích nguồn tư liệu gốc. Chắc chắn Nguyễn Hoà thừa hiểu những điều sơ đẳng này, vậy mà nhà phê bình lại bị “sập cái bẫy” do chính mình bày ra khi ông lớn tiếng tuyên bố “GS Nguyễn Huệ Chi đã hì hục phá khóa một cánh cửa mà Nguyễn Lang đã mở sẵn từ 4 năm trước”. Bây giờ để bạn đọc tường minh, chúng tôi lại áp dụng phương pháp đối chiếu, so sánh của Nguyễn Hoà giữa “Thượng sĩ hành trạng” (của Trần Nhân Tông) và “Tuệ Trung Thượng sĩ” (của Nguyễn Lang) xem ông có dám khẳng định Nguyễn Lang “đạo văn” Trần Nhân Tông hay không. Và nếu không thì Nguyễn Hoà sẽ phải công khai xin lỗi khi ông chót viết liều GS Nguyễn Huệ Chi “đạo văn” hay “phóng tác” công trình của Trần Nhân Tông bằng hình ảnh không mấy lịch sự “Đại ngôn hoán cốt Thích Thiền sư”:

Thượng Sĩ hành trạng
(Trần Nhân Tông)
Ngày kia, Thái hậu làm tiệc lớn đãi người. Người dự tiệc,  gặp thịt cứ ăn. Thái hậu lấy làm lạ, hỏi rằng: “Anh tu Thiền mà ăn thịt thì thành Phật sao được?”. Thượng sĩ cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm Phật, Phật cũng chẳng cần làm anh. Cô chẳng nghe các bậc cổ đức nói ‘Văn Thù là Văn thù, giải thoát là giải thoát’ đó sao?”.
Khi Thái hậu qua đời, vua Dụ Lăng thết cơm chay các vị sư ở cung cấm. Nhân khi vào tiệc lần lượt mời các bậc danh tăng bốn phương mỗi người làm một bài kệ ngắn để bày tỏ kiến giải của mình. Nhưng kết quả bài nào cũng “ngầu bùn sũng nước”, chưa tỏ ngộ được. Dụ Lăng bèn đem giấy đến cho Thượng sĩ. Thượng sĩ bèn viết một hơi  bài tụng tự thuật như sau:
Kiến giải bày kiến giải,
Như dụi mắt làm quái.
Dụi mắt làm quái rồi.
Sáng sủa thường tự tại.
Vua  Dụ Lăng đọc xong liền viết tiếp:
Sáng sủa thường tự tại,
Cũng dụi mắt làm quái.
Thấy quái không thấy quái,
Quái kia liền tự hoại.
Thượng sĩ rất tâm phục bài kệ ấy.
Khi vua Dụ Lăng ốm, Thượng sĩ viết thư hỏi thăm. Vua mở ra xem, bài kệ trả lời của vua Dụ Lăng như sau:
Oi nồng hầm hập mồ hôi mướt,
Quần mẹ sinh ta thấm được đâu.
Thượng sĩ đọc bài kệ, than thở giây lâu. Đến khi vua Dụ Lăng trở bệnh nặng, Thượng sĩ tất tả tới cửa khuyết thì nhà vua đã quy tiên rồi.
Nay ta cũng nguyện đội ơn dạy dỗ của Thượng sĩ. Trước đây, khi ta chưa xuất gia, gặp lúc cư tang Nguyên Thánh mẫu hậu, nhân đó có đi thỉnh Thượng sĩ. Người trao cho hai bộ ngữ lục của Tuyết Đậu và Dã Hiên. Ta cho rằng quá tầm thường, sinh ngờ vực, bèn làm ra vẻ ngây thơ hỏi Thượng sĩ rằng: “Chúng sinh quen cái nghiệp uống rượu và ăn thịt, thì làm sao tránh được tội báo?”. Thượng sĩ liền giảng giải rằng: “Giá thử có một người đứng quay lưng lại, thình lình có nhà vua đi qua phía sau, người kia không biết, hoặc có ném vật gì vào người vua. Người ấy có sợ chăng? Vua có giận chăng? Như thế thì biết rằng hai việc không liên quan gì đến nhau vậy”. Nói rồi Thượng sĩ đọc hai bài kệ:
Mọi pháp đều biến diệt,
Tâm ngờ tội liền sinh.
Xưa nay không một vật,
Mầm mống hỏi đâu thành.
Ngày ngày khi đối cảnh.
Cảnh cảnh từ tâm ra.
Cảnh tâm không có thật.
Chốn chốn ba la mật.
Ta lĩnh ý, giây lâu bèn nói: “Tuy là như thế, nhưng tội phúc đã rõ ràng thì làm thế nào?”.
Thượng sĩ lại đọc tiếp bài kệ để chỉ bảo:
Ăn thịt và ăn cỏ,
Tùy theo từng loài đó.
Xuân về cây cỏ sinh,
Họa phúc nào đâu có.
Ta nói: “Nếu vậy thì công phu giữ giới trong sạch không chút xao lãng là để làm gì?”.
Thượng sĩ cười mà không đáp. Ta cố nài. Thượng sĩ lại đọc tiếp hai bài kệ để ấn chứng cho ta:
Trì giới và nhẫn nhục,
Chuốc tội chẳng chuốc phúc.
Muốn biết không tội phúc,
Đừng trì giới nhẫn nhục.
Như khi người leo cây,
Đang yên tự tìm nguy.
Không trèo lên cây  nữa,
Trăng gió làm được gì.
Đoạn người dặn kín ta: “Chớ có bảo cho người không đáng bảo”. Vì vậy ta biết môn phong của Thượng sĩ thật là siêu việt.
Một ngày kia, ta hỏi người về  cái gốc của tôn chỉ Thiền. Thượng sĩ ứng khẩu đáp: “Hãy quay nhìn lại cái gốc của  mình chứ không tìm đâu khác được”. Ta bỗng bừng tỉnh con đường phải đi, bèn xốc áo, thờ làm thầy.
(Đỗ Văn Hỷ - Nguyễn Huệ Chi dịch, Thơ  văn Lý - Trần, Tập II, Q. thượng, NXB Khoa học xã hội, H., 1989)
Tuệ Trung Thượng sĩ
(Nguyễn Lang)
Hồi em gái Tuệ Trung Hoàng hậu Thiên Cảm còn sống, một hôm ông được bà mời vào cung ăn tiệc. Trên bàn có những món mặn và món chay, ông đã gắp thức ăn một cách không phân biệt. Hoàng hậu hỏi: "Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao mà thành Phật được?". Ông cười đáp: "Phật là Phật, anh là anh; anh không cần thành Phật. Phật không cần thành anh. Em chẳng nghe cổ đức nói ‘Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát’ đó sao?". Vua Nhân Tông hồi đó cũng có mặt trong bữa tiệc, và vua không quên câu chuyện này, định một ngày kia sẽ hỏi Tuệ Trung cho ra lẽ. Năm vua 29 tuổi, mẹ mất. Vua Thánh Tông đang bối rối về cái chết của Hoàng hậu lại còn bận tâm đối phó với một cuộc xâm lăng của quân Nguyên do Áo Lỗ Xích Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy, mới sai Nhân Tông đi đón Tuệ Trung, trước khi lên đường về cung, Tuệ Trung trao cho Nhân Tông, lúc ấy đã lên ngôi gần 9 năm, hai bộ ngữ lục Tuyết Ðậu và Dã Hiên, để đem về cung học tập những lúc rỗi rảnh. Vua nhớ lại chuyện ăn thịt cá và tính cách "hoà lẫn thế tục" của Tuệ Trung, liền làm bộ ngây thơ hỏi một cách gián tiếp:
"Bạch thượng sĩ, chúng sinh quen cái nghiệp ăn thịt uống rựu thì làm thế nào mà thoát khỏi tội báo?".
Tuệ Trung đã trả lời như sau về vấn đề tội báo:
"Nếu có người đang đứng xây lưng lại, thình lình vua đi qua sau lưng, người ấy không biết, cầm một vật gì ném nhằm vua. Thử hỏi: người ấy có sợ không, ông vua có giận không? Nên biết hai việc ấy không dính líu gì với nhau vậy". Rồi ông đọc hai bài kệ sau đây cho vua nghe:
Vạn pháp vô thường cả
Tâm ngờ tội liền sinh
Xưa nay không một vật:
Chẳng hạt, chẳng mầm xanh.
Hàng ngày, khi đối cảnh
Cảnh đều do tâm sinh
Tâm, cảnh đều không tịch
Khắp chốn tự viên thành [4].
Nhân Tông thưa với Tuệ Trung rằng ông đã hiểu lời dạy về tội phúc. Nhưng Tuệ Trung biết là Nhân Tông còn thắc mắc. Ông đọc tiếp bài kệ sau đây:
Có loài thì ăn cỏ
Có loài thì ăn thịt
Xuân về thảo mộc sinh
Tìm đâu thấy tội phúc? (60)
Nhân Tông liền hỏi câu hỏi ông đã dành sẵn trong tâm tư lâu nay: "Như vậy thì công phu giữ giới trong sạch không chút xao lãng là để làm gì?". Tuệ Trung cười không đáp. Vua cố nài. Tuệ Trung đọc hai bài kệ sau đây:
Trì giới và nhẫn nhục
Thêm tội chẳng được phúc
Muốn siêu việt tội phúc
Ðừng trì giới, nhẫn nhục.
Như người khi leo cây
Ðương yên tự chuốc nguy
Nếu đừng leo cây nữa
Trăng gió làm được gì? [5]
Và dặn kỹ Nhân Tông "đừng bảo cho người không ra gì biết". Ta nên nhớ rằng lúc bấy giờ Tuệ Trung đã 57 tuổi, và tư tưởng thiền của ông đã đến giai đoạn chín chắn siêu việt. Ông mất năm 62 tuổi, vào năm 1291. Vua Nhân Tông một hôm hỏi về tông chỉ thiền phái của Tuệ Trung. Ý của Nhân Tông là muốn tìm hiểu bí quyết giác ngộ mà Tuệ Trung đã được thiền sư Tiêu Diêu trao truyền, Tuệ Trung nói:
"Hãy quay về tự thân mà tìm lấy tông chỉ ấy, không thể đạt được từ ai khác".
(Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, phần “Tuệ Trung Thượng sĩ”, NXB Lá Bối, Sài Gòn, 1973; langmai.org, chương 11


Xin hỏi ông Nguyễn Hoà nghĩ gì khi học giả Nguyễn Lang cũng tóm lược câu chuyện về Tuệ Trung từ một gốc “Thượng sĩ hành trạng” của Trần Nhân Tông hệt như học giả Nguyễn Huệ Chi chứ đâu có gì khác? Hay là người này đã tóm lược rồi thì người kia mà “tóm” nữa ắt bị coi là... “đạo văn”? Tóm lược ý chính của một áng văn cổ để tránh phải dịch toàn bộ mọi chi tíết không cần thiết, xưa nay là chuyện rất bình thường, thế mà chính mình không hiểu, còn đưa ra những câu “tưng tửng” mà ẩn phía sau là cả một dụng ý “định hướng dư luận” cho người bị chỉ trích hết đường chối cãi, phải chăng đấy là “mực thước” của người cầm bút phê bình?

Vấn đề Tuệ Trung Thượng sĩ, trước đây đã làm không ít nhà nghiên cứu lịch sử và văn học băn khoăn về nhân thân của ông, trong đó có GS Nguyễn Huệ Chi. Tuy nhiên, do uy tín Bùi Huy Bích quá lớn, nên mấy trăm năm qua các thế hệ nhà nho vẫn mặc nhiên thừa nhận sự sai lầm này. Có thể nói, ở miền Bắc Nguyễn Huệ Chi là người đầu tiên nêu nghi vấn Tuệ Trung Thượng sĩ không phải là Trần Quốc Tảng kể từ năm 1973 trong bộ sách Thơ văn Lý - Trần ở mục “Khảo luận văn bản” trang 113, 114, 115 do NXB Khoa học xã hội ấn hành năm 1977 với hai dẫn chứng lấy trong Thượng sĩ ngữ lụcvà “Lời bàn của sử thần Ngô Sĩ Liên” trong phần chép về vua Trần Anh Tông của Đại Việt sử ký toàn thư. Hai phát hiện này cũng trùng với các tư liệu của Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận, nhưng như thế không có nghĩa là người viết “bắt chước Nguyễn Lang”, bởi vào thời kỳ ấy, đất nước chiến tranh, hai miền Bắc - Nam chia cắt, mọi thông tin đều bị phong tỏa, huống chi một cuốn sách Phật giáo ra đời từ NXB của “chế độ Sài Gòn thù địch”, tác giả, vốn là Thích Nhất Hạnh nằm trong sổ đen “biệt kích thực dân mới”(1) của ngành an ninh văn hóa thuở ấy, làm sao có thể lọt được vào thủ đô Hà Nội với tinh thần cảnh giác cách mạng cao?

Tuy nhiên, Nguyễn Huệ Chi còn đi xa hơn sau khi đọc Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên – Mông thế kỷ XIII, xuất bản từ năm 1968 của Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm. Tác phẩm này đã gợi ý cho ông tìm đọc Nguyên sử qua bộ An Nam chí lược của Lê Trắc. Và chính đoạn văn ghi trong “Nguyên sử, Q. 96, Liệt truyện, Ngoại di, An Nam” đã bổ sung điều kiện “đủ” với hai điều điện “cần” ở trên để GS khẳng định chắc chắn Tuệ Trung Thượng sĩ là Trần Tung (khác với Nguyễn Lang khẳng định là Trần Quốc Tung). Để cho công bằng, tốt nhất là ông Nguyễn Hoà nên đọc lại Việt Nam Phật giáo sử luận xem Nguyễn Lang có sự phát hiện này không? Trên tinh thần tương kính, trong công trình của mình, Nguyễn Huệ Chi đã viết về Nguyễn Lang với thái độ trân trọng: “Sau ngày đất nước thống nhất, chúng tôi được biết, một nhà nghiên cứu Thiền học nổi tiếng hiện ở Pháp là Nguyễn Lang (Thiền sư Thích Nhất Hạnh), cũng từng có những phát hiện thấu đáo trong bộ Việt Nam Phật giáo sử luận Tập I năm 1973”. Là nhà nghiên cứu lịch sử phật giáo, đồng thời cũng là một Thiền sư, chắc chắn, ngay sau khi Thơ văn Lý - Trần của NXB Khoa học xã hội ra đời năm 1977, Nguyễn Lang đã tìm đọc, nên mới “gửi từ Pháp qua đường ngoại giao”(2) về tặng Nguyễn Huệ Chi bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận hai tập của mình, hơn thế nữa, còn trân trọng gọi tác giả là “giáo sư”, cho dù mãi đến năm 1991 Nguyễn Huệ Chi mới được phong học hàm này. Thử nghĩ, một nhà nghiên cứu bị chiếm đoạt công trình khoa học, liệu có ai lại đem tặng sách cho đối thủ của mình với lời lẽ khiêm nhường như Nguyễn Lang? Và đáp lại, chính Nguyễn Huệ Chi cũng là người đầu tiên chủ động tìm cách vượt qua mọi khó khăn chắc chắn là không nhỏ thuở bấy giờ để in lại 3 tập Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang ở trong nước vào hai năm 1992 và 1994 với một bài giới thiệu công phu ở đầu sách mà ông Nguyễn Hoà chỉ đọc được bản tái bản lần thứ mấy của NXB Văn học vào năm 2008 đó thôi(3). Lại thử nghĩ, nếu một người đã đạo văn của người kia thì còn cố sức xóa bỏ dư luận không đúng về Thích Nhất Hạnh bằng cách in bằng được cuốn sách mà mình “đạo” ra cho công chúng đọc làm gì để thêm xấu mặt mình? Trước thực tế “nói có sách mách có chứng” như vậy, ông Nguyễn Hoà không thấy ông đã rơi vào tình thế “lưỡng đao luận” hay sao?

Để có thêm bằng cớ xác thực, chúng tôi cho đăng tải dưới đây tờ bìa hai cuốn sách Nguyễn Lang tặng Nguyễn Huệ Chi kèm theo bút tích tác giả để bạn đọc tham khảo(4):
.
clip_image002
clip_image004

Viết đến đây, chúng tôi biết, ông Nguyễn Hoà có thể sẽ đặt dấu hỏi nghi ngờ: bản thảo Thơ văn Lý – Trần hoàn thành vào cuối năm 1973, đưa vào nhà in năm 1974 nhưng mãi đến năm 1977 mới ra mắt bạn đọc, vậy trong khoảng thời gian ba năm ấy, ai dám chắc nhóm biên soạn không sửa chữa, bổ sung tư liệu? Để trả lời câu hỏi này, xin mời ông Nguyễn Hoà đọc đoạn văn dưới đây của GS Nguyễn Huệ Chi trong bài “Những năm tháng với Phong Lê” đăng trên trang web talawas ngày 14 tháng 6 năm 2008:

“Chính ra, sách (Thơ văn Lý - Trần, Tập I, ĐVS nhấn mạnh) xong từ đầu năm 1974, hai GS Đặng Thai Mai và Cao Xuân Huy duyệt trong nửa năm, đưa sang Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, họ chuyển cho Viện Sử học đọc lại trong 3 tháng. Tháng 12-1974 viết Lời tựa và đưa đi nhà in. Nhưng nhà in của chúng ta đã nấu sạch các khuôn chì chữ Hán, lớp thợ in biết sắp chữ Hán cũng đã nghỉ hưu, lẽ thường đành phải in bộ sách không có chữ Hán đi kèm. Tôi làm sao mà chịu được khi sách do tôi Chủ biên có phần đối chiếu và khảo đính công phu tất cả mọi sai dị từ các văn bản gốc; có phần chú giải ghi chép đầy đủ chữ Hán mọi câu văn kinh điển Nho Phật Lão mà thơ văn Lý Trần đã chịu ảnh hưởng; có tên đất, tên người, tên tác phẩm có chữ Hán đi kèm; lại có đến 6, 7 bảng sách dẫn (index) để bạn đọc có thể tra cứu bất kỳ một thuật ngữ, điển cố, tên đất, tên nhân vật, tên tác phẩm ở bất kỳ trang nào. Đó là cách làm của các học giả Trường Viễn đông bác cổ Pháp mà tôi học được. Tôi quyết tìm ra giải pháp. Tôi nài các bạn Băng Thanh, Tú Châu và Đỗ Văn Hỷ chịu khó cùng tôi chép bằng hết khối lượng chữ Hán trong sách ra giấy, ước chừng ba trăm trang (thuở bấy giờ đã có máy photocopy đâu), rồi xin giấy giới thiệu của Viện sang toà báo Tân Việt Hoa (Trung Quốc, đóng tại Hà Nội) xin chữ. Họ vui lòng giúp đỡ, duy chỉ có kiểu chữ giản thể thì tôi đành phải chịu thua. Đến ngày hẹn, tôi lếch thếch chở một xe xích-lô từ báo Tân Việt Hoa đem đến thẳng nhà in Thống nhất ở gần Bờ Hồ. Và luôn trong 3 năm trời, cả tôi, Băng Thanh, Tú Châu (anh Hỷ tuổi cao được miễn) hàng ngày đến nhà in nằm bò ra giữa sàn, xếp chữ Hán xen vào khuôn chữ Việt. Thợ nhà in cứ tủm tỉm cười thầm, cho chúng tôi là những người làm sách kỳ quặc nhất trước giờ chưa thấy. Sách in bị chậm lại đến 3 năm chính là vì thế. Chỉ đến khi sách ra mắt cả Viện mới biết lý do vì sao sách chậm trễ, còn Ủy ban Khoa học xã hội thì cắt khen thưởng của tôi trong liền 3 năm”(5).

Xin lưu ý rằng ở đoạn trích trên, tác giả có nói rõ việc mình nảy sáng kiến đến mượn chữ của toà báo Tân Việt Hoa và mượn được lối chữ giản thể, để in Thơ văn Lý - Trần Tập I, được tiến hành ngay khi sách vừa đưa tới nhà in (1974); thì nay lần giở lại ta thấy, ở mục khảo sát về Thượng sĩ ngữ lục gồm 3 trang trong phần “Khảo luận” đầu cuốn sách – là những dẫn giải cơ bản đưa đến gợi ý Tuệ Trung Thượng sĩ chính là Trần Tung chứ không phải Trần Quốc Tảng (cũng không phải là Trần Quốc Tung như Nguyễn Lang) – đã có đầy đủ chữ Hán giản thể in kèm vào những tên riêng như Thượng sĩ ngữ lục上士语彔, Tuệ Trung Thượng sĩ 慧忠上士, Tuệ Nguyên 慧源, Long Động龙峒, Yên Tử 安子, Thanh Cừ 清渠, Tĩnh Bang cảnh vật净邦景物, Đề dã thự 题野墅, Trần Quốc Tảng 陈国颡, Trần Liễu 陈柳, và cũng có cả chữ Hán giản thể bên cạnh cái tên Trần Tung 陈嵩,... 

Thưa ông Nguyễn Hoà, nếu còn nghi ngờ mời ông cứ đọc vào các trang 113, 114, 115 của Tập I bộ sách nổi tiếng này thì rõ.

I.2. – Huy động “mắm, muối , gia vị” hay là làm rõ nhân thân Tuệ Trung Thượng sĩ?

Điểm cần làm sáng tỏ tiếp theo chính là vấn đề mà Nguyễn Hoà gọi là “thủ pháp huy động mắm, muối, gia vị thêm thắt cho dài dòng, màu mè”. Từ cách suy diễn và lập luận theo kiểu nói lấy được, bất chấp các chứng cứ lịch sử nằm trong nguồn thư tịch cổ, chúng tôi có quyền nghi ngờ nhà phê bình Nguyễn Hoà hình như rất mù mờ về chữ Hán. Hơn nữa, ông cũng không hiểu hoặc cố tình không hiểu, đối tượng nghiên cứu của Nguyễn Lang và Nguyễn Huệ Chi thuộc hai lĩnh vực khác nhau. Một đằng là khảo luận về lịch sử Phật giáo Việt Nam, một đằng là khảo cứu một tác gia văn học Việt Nam thời Lý - Trần. Đối tượng nghiên cứu khác nhau, mục đích khác nhau, ắt hẳn phải dùng phương pháp phân tích khác nhau chứ. Chính vì thế mà công trình của Nguyễn Lang viết về Tuệ Trung Thượng sĩ rất khái quát, với những tiểu mục ngắn gọn, trong khi ấy, Nguyễn Huệ Chi lại viết rất cụ thể, chi tiết từng luận điểm, thậm chí từng câu chữ, kể cả so sánh dị bản, kèm theo phần chú giải rõ ràng bằng phong cách văn chương hàn lâm nhưng lại giàu hình ảnh và truyền cảm, để chỉ ra được nét phong phú độc đáo trong tư tưởng và cả trong phong cách sáng tạo của nhà thơ thiền Trần Tung có một thời Trần. Ông cứ chịu khó cầu thị đọc kỹ lại mà xem, đó có phải là “thêm mắm thêm muối” không thưa ông?

Hơn thế nữa, việc phân tích, dẫn chứng từ ba nguồn tư liệu chữ Hán của GS Nguyễn Huệ Chi lại rất cần thiết cho bạn đọc, chẳng những với học sinh, sinh viên, mà cũng hữu ích ngay cả với các nhà nghiên cứu văn học cổ, trung đại, bởi phần lớn trong số này đều ít am hiểu Hán học. Chính GS Nguyễn Huệ Chi, qua những luận điểm dẫn dắt sắc bén của mình, đã xóa bỏ được sự nhầm lẫn như một sự mặc định từ mấy trăm năm nay về “diện mục” Tuệ Trung Thượng sĩ.

Với 3 trang phân tích văn bản cuốn Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục trong Thơ văn Lý - Trần Tập I, như đã nói, có thể xem như bước đầu ông đã đề xuất một cách chừng mực Tuệ Trung Thượng sĩ là Trần Tung chứ không phải Trần Quốc Tung. Chính nó là tiền đề mang tính khái quát, gợi mở cho công trình nghiên cứu hoàn chỉnh của tác giả sau này khi ông tìm được bằng chứng thứ ba trong An Nam chí lược của Lê Trắc về nhân thân Tuệ Trung Thượng sĩ. Nguyên văn như sau:

“Trong An Nam chí lược, Q.IV, Chinh thảo vận hướng; nói về cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ ba của giặc Nguyên - Mông có chỗ chép rằng: Tháng Hai (năm Mậu Tý, 1288), Thế tử (nước An Nam) phái người anh con bác ruột là Hưng Ninh vương Trần Tung nhiều lần tới ước hẹn việc đầu hàng, cốt làm cho quân ta mệt mỏi, rồi ban đêm cho quân cảm tử xông đến cướp doanh trại(6)

Như vậy, ở tư cách một người làm khoa học, không phải tác giả Huệ Chi “huy động mắm, muối, gia vị” mà chính là bổ sung tư liệu, mở rộng nội hàm, tìm kiếm và cân nhắc chứng cứ, cuối cùng quy nạp sự kiện, kết luận vấn đề một cách khách quan, trung thực, đem đến cho người đọc một nhận thức mới, xóa bỏ nghi án lịch sử bị người đời lầm lẫn một cách hệ thống từ mấy thế kỷ qua. Nhận định về công trình nghiên cứu của GS Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã viết một bài khá công phu trên báo Người Hà Nội số 42, ra ngày 18 tháng 10 năm 2013, nhan đề “Nguyễn Huệ Chi với cả ngàn năm văn chương cổ-cận đại”, trong đó có những đoạn phân tích lý thú:

“Công việc tháo gỡ của Giáo sư Huệ Chi xem ra rất có lớp lang. Nếu không sẽ không thuyết phục nổi giới khoa học. Bởi suốt hai thế kỷ, biết bao công trình nghiên cứu đã gắn chặt cái tên Trần Quốc Tảng - Tuệ Trung Thượng sĩ là chủ sở hữu của Phóng cuồng ca, của Thượng sĩ ngữ lục, v.v. mà Bùi Huy Bích đã ám thị khiến ít người dám nghĩ đến việc xem xét lại”.

Ở đoạn khác ông viết tiếp:

“Tới đây có thể nói GS Nguyễn Huệ Chi đã giải mã hoàn toàn sự rắc rối văn chương và lịch sử, và hoàn trả sự thật cho sự thật. Nghĩa là có một bậc chân tu là Trần Tung có pháp danh Tuệ Trung Thượng sĩ do Trần Thánh Tông phong tặng, đồng thời ngài có nhiều trước tác lưu danh hậu thế…”.

Với những dẫn chứng và đối chiếu tuần tự của chúng tôi, trên cơ sở cứ liệu cũ mới còn lưu giữ trong sách báo, cùng những nhận xét, đánh giá nghiêm chỉnh của một số nhà văn, nhà khoa học như GS Vũ Khiêu, TS Đặng Thị Hảo, nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà nghiên cứu Đỗ Quý Toàn(7)..., thiết nghĩ, nhà phê bình Nguyễn Hoà nên bình tĩnh đọc hết Văn học Cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật. Có thể, sau khi đọc và nghiền ngẫm trên tinh thần của một người cầm bút vì chân lý, cùng với thời gian, hy vọng ông sẽ có một cách nhìn khác, công bằng hơn, bao dung, và độ lượng hơn so với cách đọc lật vội từng khúc (đoạn chương thủ nghĩa), với những ngôn từ “ném đá” trước đây của ông.

II. CÁCH BIỆT ĐẲNG CẤP GIỮA MỘT LUẬN ÁN VÀ MỘT CHUYÊN KHẢO 

II.1. – Đôi điều về một luận án tiến sĩ

Cũng trong bài viết “Đôi điều gửi tới giáo sư Nguyễn Huệ Chi”, đăng trên Văn nghệ số 41, ngày 12 tháng 10 năm 2013, ngoài việc chụp mũ GS Nguyễn Huệ Chi đạo văn của Trần Nhân Tông và Nguyễn Lang, nhà phê bình Nguyễn Hoà còn nghi ngờ ông rút ruột luận án tiến sĩ của Trần Hải Yến khi viết bài “Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, một thể nghiệm mới của Phan Châu Trinh về truyện thơ lục bát”. 

Dù chỉ là một câu hỏi lặp lại của người khác, nhưng cả tin để hỏi mà không cân nhắc, thì đây quả là một chuyện “động trời”, bởi nếu sự việc đúng như vậy thì tiên sinh họ Nguyễn chẳng những tiếng tăm bỗng chốc nổi như cồn trong làng văn đất Việt, mà còn góp phần quan trọng vào âm mưu hạ knockout một vị Giáo sư nổi tiếng từ lâu, và cũng từ lâu vốn vẫn như cái gai trong mắt những ai đó.

Thế nhưng, một lần nữa, “con mắt xanh” của nhà phê bình đao búa lại mắc bệnh quáng gà theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Từ cách tiếp cận văn bản cẩu thả đến phương pháp luận sai lầm, xuất phát từ động cơ thiếu trong sáng, Nguyễn Hoà đã bộc lộ sự non yếu trong bài viết của mình về khả năng chuyên môn.

Nhằm làm sáng tỏ vấn đề, nhất là muốn ông Nguyễn Hoà “tâm phục khẩu phục”, trước khi viết phần này, chúng tôi phải mất khá nhiều thời gian tìm kiếm mới có được bản photocopy luận án tiến sĩ của tác giả Trần Hải Yến nhan đề “Giai nhân kỳ ngộ diễn ca trong dòng văn học duy tân yêu nước đầu thế kỷ XX”. Bản luận án tiến sĩ ngữ văn này hoàn thành vào năm 2002, số lượng 177 trang, mang mã số 5.04.33, chuyên ngành văn học Việt Nam, do PGS TS Phạm Tú Châu hướng dẫn. Ngoài lời mở đầu (25 trang), “Giai nhân kỳ ngộ diễn ca trong dòng văn học duy tân yêu nước đầu thế kỷ XX” gồm 3 chương (146 trang) và phần kết luận (7 trang). Như vậy phần chính của bản luận án được tác giả triển khai trong 3 chương như sau:

Chương 1: Cơ sở ra đời của “Giai nhân kỳ ngộ diễn ca”
Chương 2: Con đường của “Giai nhân kỳ ngộ diễn ca” từ nguyên tác
Chương 3: “Giai nhân kỳ ngộ diễn ca” trong mạch truyện thơ tiếng Việt

Tuy rằng, ngay ở trang đầu bản luận án, Trần Hải Yến đã viết: “Xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các nhận định riêng và kết luận nêu trong luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác”, nhưng không có nghĩa là Trần Hải Yến nghiên cứu “chay” chỉ với mỗi nguyên tác Kajin no kigù của Tòkai Sanshi và bản chữ Hán Giai nhân kỳ ngộ của Lương Khải Siêu. Để có được bản luận án với nội dung học thuật cùng những nhận định về sự đóng góp của Phan Châu Trinh vào tiến trình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX qua thể loại diễn ca, tác giả đã phải tham khảo đến 115 tài liệu tiếng Việt, 7 tài liệu tiếng Anh, Pháp, 12 tài liệu tiếng Trung và 7 tài liệu tiếng Nhật. Trong số này, tài liệu tiếng Việt có liên quan trực tiếp đến Phan Châu Trinh và Giai nhân kỳ ngộ diễn ca là 14, tiếng Anh: 1, tiếng Trung: 5 và tiếng Nhật: 1.

Những số liệu chúng tôi lược kê sơ bộ trên đây chỉ để nhấn mạnh một điều, nghiên cứu khoa học là có sự kế thừa thành tựu của người đi trước. Từ sự kế thừa này, trong quá trình tìm tòi, suy ngẫm, nhà nghiên cứu sẽ hình thành những quan điểm học thuật mới, những giá trị mới, bao hàm cả việc phủ nhận những giá trị cũ tuy đã bền vững một thời để tiến gần đến chân lý. Cho nên trong nghiên cứu khoa học, cả khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội, không ai dám tin chắc ý kiến của mình là ý kiến cuối cùng duy nhất đúng. Mặt khác, cái gọi bằng “mượn lại ý kiến” người khác phải tính ở những phát hiện nào được xem là mới thật, chứ như cùng phải tóm tắt cốt truyện, phải trích dẫn những người đi trước, phải đề cập tổng quát chủ đề tư tưởng, nhân vật... là những thao tác quá thông thường, không ai có thể làm khác, thì trong nghiên cứu khoa học, nói đó là “rút ruột” chỉ là một chuyện khôi hài, ngoại trừ những kẻ suốt đời chỉ viết được một hai bài báo, một luận án là hết thì mới “vọng tưởng” rằng sản phẩm của mình là “vàng ròng” mà thôi.

Nhận xét chung về “Giai nhân kỳ ngộ diễn ca trong dòng văn học duy tân yêu nước đầu thế kỷ XX ”, chúng tôi thấy bản luận án đã được triển khai đúng như mục đích tác giả đặt ra từ đầu. Nghĩa là, công trình được nghiên cứu trên bình diện khái quát bằng những nhận định, phân tích có cơ sở khoa học về một tác phẩm văn chương được đặt trong mối tương quan với hoàn cảnh lịch sử cụ thể Việt Nam đầu thế kỷ XX qua những tác động của trào lưu dân chủ phương Tây và Nhật Bản tràn vào.

Nhìn lại cấu trúc luận án, người đọc có thể thấy, tác giả đi từ khái quát đến cụ thể, từ toàn cảnh thế giới thời cận đại đến hoàn cảnh xã hội Việt Nam, đồng thời dành khá nhiều trang viết phân tích những nguyên nhân làm cho Việt Nam khác với Nhật Bản trong dự án canh tân và hệ quả tất yếu của nó trong quá trình phát triển. Từ những luận cứ và dẫn chứng thiết thực, tác giả vẽ nên được bức tranh xã hội phong kiến Việt Nam với hệ ý thức Nho giáo đầy khuyết tật, khước từ đổi mới, chi phối nền văn học vốn đã không có nhiều thành tựu, trong khi đó lại hoàn toàn vắng bóng một thể loại chủ lực là tiểu thuyết.

Trong ba chương của luận án, có thể xem chương 3 “Giai nhân kỳ ngộ diễn ca trong mạch truyện thơ tiếng Việt” (tr. 104) là trọng tâm. Trong khi đó, phần cốt lõi của chương này chính là mục 3.2. “Giai nhân kỳ ngộ diễn ca giữa truyền thống và hiện đại” (tr.121 -172). Với 51 trang khổ A4, tác giả phát triển ý tưởng “giữa truyền thống và hiện đại” dưới dạng các tiểu mục qua những so sánh, đối chiếu, phân tích khá tỉ mỉ nhưng thường là thiên về mô tả và khẳng định mà ít thao tác phản biện:

3.2.1. Hành trình “kỳ ngộ” hay là kết cấu truyện vượt khuôn khổ: Kể lại truyện tình yêu và hành trình phiêu lưu của các nhân vật xoay quanh chàng Tán Sĩ.

3.2.2. Đặc trưng bút pháp biểu hiện (tr.132 - 155): Phần này đi sâu vào bút pháp thể hiện của Giai nhân kỳ ngộ diễn ca qua lối tả cảnh đã giảm tối đa “tính chất hư cấu và tính chất phi không gian” quen thuộc của thể loại (tr. 133), đồng thời dần dần đã loại bỏ được vai trò của yếu tố kỳ lạ của loại truyện Nôm truyền thống để mạch truyện trở nên hiện thực hơn với những chi tiết, tình tiết, sự kiện có thật trong một không gian và thời gian xác định.

Tìm hiểu về bút pháp Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, Trần Hải Yến đã làm rõ được vai trò người kể chuyện và cách dẫn chuyện, phương pháp biểu đạt không gian, thời gian và kiểu loại nhân vật, cuối cùng đưa ra nhận xét (tất nhiên nhận xét này không phải chỉ có ở Trần Hải Yến): “Bản thân người cầm bút “diễn ca” chưa từng lấy nghệ thuật, cũng như việc trau dồi ngòi bút văn chương, làm mục đích tự thân” (tr. 155), và sau đó là: “Trong Giai nhân kỳ ngộ diễn ca đường phân tuyến nhân vật thành thiện / ác hoàn toàn bị tước bỏ (vì chuyện thế sự đã được gác lại), chỉ có một lằn ranh giới giữa nô lệ và độc lập, giữa hủ bại và canh tân. Và tất cả các nhân vật ở đó đã cùng đứng về một chiến tuyến, đặt lên trên hết là sự sống của một đất nước có chủ quyền, được tự do” (tr.163). Phân tích tương đối cặn kẽ về các nhà canh tân trong lĩnh vực văn chương thời Phan Châu Trinh, Trần Hải Yến còn viết: “Có thể nói, tác giả Giai nhân kỳ ngộ diễn ca và những người cầm bút đồng thời với ông đã tìm cách tân trang đời sống tinh thần của những con người thuộc về một thế giới xưa cũ thành những hình mẫu lý tưởng mà thời đại khi ấy đang cần có” (tr.163 -164). Không dừng lại ở kết luận trên, Trần Hải Yến còn đi xa hơn khi viết: “… với việc diễn ca Giai nhân kỳ ngộ, Phan Châu Trinh đã đưa vào đời sống một kiểu loại nhân vật chính trị của thời đại mới và đó cũng là những nhân vật mang tính quốc tế đầu tiên của văn chương Việt Nam” (tr 165).

Nói tóm lại, Từ Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, bằng phương pháp so sánh, đối chiếu lịch đại và đồng đại, đồng thời đặt nó trong bối cảnh chính trị, xã hội, văn học đầu thế kỷ XX, Trần Hải Yến phần nào đã làm rõ bút pháp Phan Châu Trinh ở dạng khái quát đáng cho ta ghi nhận. Nhưng trong luận án, tác giả vẫn chưa diễn giải được một cách thuyết phục tính chất đặc thù cũng như những hạn chế không nhỏ của tác phẩm này. Theo nhận xét của chúng tôi, đây là một luận án tiến sĩ có xu hướng dàn trải, nặng về bề rộng mà nhẹ về bề sâu, dẫn đến hệ quả mất cân đối, đáng lẽ phải dành cho mục 3.2. của chương 3 một số lượng trang thích đáng, thì tác giả lại đầu tư quá nhiều công sức vào chương 1 và 2 (là 2 chương chủ yếu tham khảo các nguồn tài liệu để triển khai – không có đóng góp gì đáng kể của tác giả luận án), thành ra, công trình có vẻ như bị pha loãng, đến phần đặc trưng thi pháp là phần được chờ đợi, không hiểu sao tác giả chỉ còn phân tích sơ sài (trong khi luận án vẫn thừa chỗ, bởi thời ấy độ dài cho phép đến 200 trang, thậm chí trên 200 trang, mà tác giả chỉ dừng ở 177 trang thôi). Thành thử có tình trạng không ít trường hợp ở mục 3.2 trong chương 3 đã nói, người viết chỉ sử dụng các tiểu đề mục như một bảng thống kê có tính tổng quát mà rút ngắn, thậm chí bỏ qua những yếu tố đặc trưng hoặc những thuộc tính làm nên phong cách tác phẩm. Tất nhiên, không ai phủ nhận “Giai nhân kỳ ngộ diễn ca trong dòng văn học duy tân yêu nước đầu thế kỷ XX” là một luận án tốt hoặc xuất sắc, như Hội đồng chấm đã kết luận, song cũng như nhiều, rất nhiều luận án khác, tính chất học trò đi thi rất rõ trong luận án này.

II.2. – Chuyên khảo “Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, một thể nghiệm mới của Phan Châu Trinh về truyện thơ lục bát”

Trong khi đó, đọc vào “Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, một thể nghiệm mới của Phan Châu Trinh về truyện thơ lục bát” của GS Nguyễn Huệ Chi, có thể thấy ngay là một công trình nghiên cứu chuyên sâu về đặc trưng thi pháp của Phan Tây Hồ. Theo ghi chú ở cuối bài, chuyên luận này là một phần trích từ chương “Phan Châu Trinh” mà Nguyễn Huệ Chi được Viện Văn học phân công viết cho bộ sách “Lịch sử văn học Việt Nam” (chưa xuất bản), đã được đăng tải trên tạp chí Thời đại mới ở Mỹ, số 9, tháng 11, năm 2006.

Theo thông lệ, trước khi viết bài, GS Huệ Chi cũng tham khảo hàng loạt công trình nghiên cứu đã xuất bản tuy ít hơn Trần Hải Yến nhiều, điều này chẳng có gì lạ bởi người viết chuyên luận chỉ đọc những gì cần thiết nhất cho tìm tòi mình nhắm tới có liên quan đến Giai nhân kỳ ngộ diễn ca như Kajin no Kigù của Tòkai Sanshi, Giai nhân kỳ ngộ (bản chữ Hán) của Lương Khải Siêu, “Về tác phẩm Giai nhân kỳ ngộ diễn ca của Phan Châu Trinh: Nguồn gốc và ý nghĩa” của Vĩnh Sính, Phong trào Đại Đông Du, NXB Nam Việt, Sài Gòn, 1950 của Phương Hữu, Tuyển tập Phan Châu Trinhcủa Nguyễn Văn Dương, Giai nhân kỳ ngộ - anh hùng ca của Lê Văn Siêu…, trong đó luận án của Trần Hải Yến được tác giả trích dẫn đến hai lần, một lần ở trang 313, một lần ở trang 331. Như vậy, các tài liệu tham khảo và tác giả của nó được Nguyễn Huệ Chi sử dụng đều có ghi chú công khai, minh bạch. Với Trần Hải Yến, GS Huệ Chi đã có những nhận xét tốt đẹp trên tinh thần tôn trọng, ghi nhận một sự đóng góp khoa học, như sau: 

Từ đó đến nay đã có nhiều học giả đề cập đến nội dung, phần nào nghệ thuật, và quá trình chuyển tiếp từ Nhật - Hán sang Việt của tác phẩm, có cả một luận án tiến sĩ viết về nó của Trần Hải Yến, lần đầu tiên nêu lên những điểm mới về kết cấu truyện thơ và về một số đặc điểm trong thi pháp của Phan Châu Trinh” (tr. 307). 

Sau khi dẫn ra thành tựu nghiên cứu của một số người đi trước, Nguyễn Huệ Chi viết một cách khiêm tốn: “Trên tinh thần kế thừa và góp thêm vào những thành tựu đã đạt được, dưới đây xin đi sâu vào một số khía cạnh” (tr. 307).

Thiết nghĩ, việc làm của GS Nguyễn Huệ Chi là “kế thừa và phát triển thêm một số khía cạnh”, chỉ có lợi cho công tác nghiên cứu văn học sử Việt Nam, và là việc bình thường, cần thiết của khoa nghiên cứu văn học xưa nay, chứ đâu phải là hành vi đạo văn như Nguyễn Hoà đã lên tiếng “chất vấn”, bề ngoài có vẻ nhẹ nhàng mà bên trong vẫn để lộ tiếng chí chát của “cây búa”(8).

Như chúng tôi đã trình bày, về phần thi pháp của Phan Châu Trinh trong Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, Trần Hải Yến phân tích đúng hướng, có cơ sở lý luận, song chỉ mới là khái lược, khiến người đọc khó tiếp nhận. Ngược lại, bài viết của Giáo sư Huệ Chi, vì chỉ khuôn gọn trong phạm vi đặc trưng này nên triển khai vào nhiều khía cạnh cụ thể, sâu, rõ ràng, hấp dẫn, với những luận cứ thuyết phục.

Một trong những điểm đáng chú ý, được Nguyễn Huệ Chi nhấn mạnh khi đối chiếu giữa nguyên tác Kajin no Kigù thông qua bản chuyển ngữ Giai nhân kỳ ngộ của Lương Khải Siêu và Giai nhân kỳ ngộ diễn ca của Phan Châu Trinh, là:

Giai nhân kỳ ngộ diễn ca mang trong nó tất cả mọi nhược điểm của nguyên tác: nhân vật sống bằng ngôn ngữ của người khác kể hơn là bằng sức sống nội tại, cốt truyện quá lan man, cồng kềnh, lô gích diễn biến nhiều chỗ không chặt chẽ,… Hình như Phan Châu Trinh không chủ tâm “hoán cốt đoạt thai” để có một sáng tạo nghệ thuật trọn vẹn” (tr. 309). 

Khi sử dụng tư liệu của người khác hoặc trích dẫn văn bản tác phẩm, Nguyễn Huệ Chi tỏ ra sòng phẳng, không hề có chuyện lập lờ đánh lận con đen: “Trừ một vài đoạn nào đấy ông có thêm thắt theo ngẫu hứng, cũng rất hãn hữu, như đoạn sau đây mà Nguyễn Văn Dương đã phát hiện” (tr. 309). Cụ thể hơn nữa, khi tìm thấy những đoạn thơ Phan Châu Trinh viết về biên giới Việt Nam - Trung Quốc không có trong nguyên tác, Nguyễn Huệ Chi phải đối chiếu với văn bản gốc của Lương Khải Siêu, sau đó còn cẩn thận chuyển xuống phần chú thích gồm cả chữ Hán, phiên âm và dịch nghĩa để người đọc dễ dàng phân biệt.

Đề cập đến vấn đề chuyển đổi thể loại, Nguyễn Huệ Chi phân tích nhiều phương diện với những biện giải hợp lý, trong đó có những đề xuất mang tính luận điểm, không nói luận án của Trần Hải Yến mà ngay cả Vĩnh Sính, Phương Hữu cũng chưa từng đề cập, chẳng hạn như: 

Việc diễn ca “Giai nhân kỳ ngộ văn xuôi sang truyện thơ lục bát thế nào cũng kéo theo nhiều đòi hỏi lột xác khó cưỡng như cái quy luật muôn đời của chuyển đổi thể loại” (tr. 312);

hay là: 

Tự thân tác động nội tại hai chiều giúp ta suy ra, hai chữ diễn ca trong mẫn cảm của Phan Châu Trinh là một hoạt động nung nấu cảm xúc, nhập thân vào một tác phẩm ngoại lai, làm chủ được nó và hoán cải nó sang một hình thức nghệ thuật gắn bó với thị hiếu dân tộc, đồng thời trước sau cũng kéo giãn phần nào những quy phạm chặt chẽ của cái hình thức dung nạp nó” (tr. 312).

Phần đáng chú ý nhất trong chuyên luận là ông đã đưa ra những kiến giải khác hẳn với Trần Hải Yến về kết cấu của Giai nhân kỳ ngộ diễn ca. Ông Viết:

“Truyện Nôm cổ truyền – không tính đến một vài truyện Nôm bình dân – cho đến tận cuối thế kỷ XIX, vẫn tuân thủ một trình tự chặt chẽ bao gồm bốn chặng: hội ngộ – tai biến – lưu lạc – đoàn viên. Theo Trần Hải Yến, trong truyện Nôm cổ truyền vẫn có thể có một vài tác phẩm bỏ qua hình thức bắt buộc đó, chẳng hạn Sơ kính tân trang không có màn tái hợp, nhưng chúng tôi nghĩ hơi khác. Ngay đến Sơ kính tân trang rất phóng khoáng trong cá tính sáng tạo vẫn không thoát khỏi sức chi phối của cái bố cục “bốn hồi” đã được ấn định, nghĩa là phải có một màn “giả tái hợp” để cho Quỳnh Thư mượn xác cô em gái Thụy Châu “sống lại” mà kết duyên với Phạm Kim với một bằng chứng thuyết phục là hai chữ “Quỳnh nương” nơi bàn tay rành rành” (tr. 313-314).

Trên nguyên tắc được xem như bất biến này, Nguyễn Huệ Chi đã tiến hành nghiên cứu rất kỹ kết cấu của Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, theo đó ông tìm ra được, tác phẩm của Phan Tây Hồ cũng có một màn tái hợp giống như truyện Nôm truyền thống, nhưng là màn tái hợp gián tiếp của “người đưa tin” với một trong hai nhân vật chính, chứ không phải của chính cặp đôi giai nhân tài tử, lại bao gồm hai chặng, trong đó không phải một “người đưa tin” mà những hai người, và tôi nghĩ, ông coi đấy mới là chỗ đổi mới cốt lõi so với truyện Nôm cổ truyền. Chưa hết, tác giả còn tìm ra mấy tuyến cốt truyện chồng lên nhau (là điều Trần Hải Yến không nhận thấy), vì thế muốn hình dung rõ nét những “màn tái hợp gián tiếp” này thì theo ông, phải bóc tách nhiều sự kiện chồng chéo giữa các tuyến cốt truyện che phủ và làm mờ nhoà tính chất tái hợp đó, do cấu trúc nguyên tác ảnh hưởng của “thể loại monogatari Nhật Bản với tiểu thuyết phương Tây không tài nào áp dụng công thức cổ điển của truyện Nôm Việt Nam để lý giải ổn thỏa” (tr. 314). 

Áp dụng lý thuyết nghiên cứu về hình thức thể loại, Nguyễn Huệ Chi đã đi xa hơn hẳn Trần Hải Yến khi ông nhìn nhận kết cấu Giai nhân kỳ ngộ diễn ca “thuộc về một dạng cấu trúc khác, ở đó lưu lạc đóng vai trò thúc đẩy số phận mọi nhân vật. Mỗi nhân vật có nhiều cuộc phiêu lưu, và gặp gỡ là điểm dừng chân tạm thời của chúng, trước khi bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới, cũng là điểm giao thoa của nhiều chuyến hành trình theo nhiều hướng” (tr. 314).

Nhằm làm sáng tỏ quan điểm của mình, Nguyễn Huệ Chi cụ thể hóa những khái niệm “người đưa tin”, “người nhận thông tin”, “người chờ đợi” cũng như “nơi xuất phát”, “nơi trở về” trong mối quan hệ đa chiều giữa các nhân vật bằng những kiến giải tinh sâu:

“Trước khi có cuộc hội ngộ giữa U Lan, Hồng Liên và Tán Sĩ đã xảy ra ba cuộc phiêu lưu của ba người trên quê hương của họ ba xứ sở cách biệt trong bản đồ thế giới, được tái hiện bằng thời gian hồi cố. Sau chặng hội ngộ thúc đẩy tình yêu giữa cặp U Lan Tán Sĩ [hai nhân vật nòng cốt của câu chuyện giai nhân tài tử – Đặng Văn Sinh nhấn mạnh] sẽ là chặng phiêu lưu thứ hai của U Lan, Hồng Liên và Phạm Khanh (có thêm Đốn Gia La) mà với U Lan chính là sự nối tiếp cuộc phiêu lưu trong quá khứ của nàng. Trong tám hồi được Phan Châu Trinh chuyển thể, Tán Sĩ chưa có tiếp một cuộc phiêu lưu nào, nên tạm thời chàng đảm nhiệm vai trò người nhận thông tin tại nơi xuất phát và cũng là nơi trở về của các nhân vật. cuộc phiêu lưu thứ hai chấm dứt bằng sự trở về của Hồng Liên – người đưa tin – bên Tán Sĩ. Riêng U Lan lại tiếp tục một cuộc phiêu lưu thứ ba và chỉ ngừng lại với sự xuất hiện của Mân Lê – người đưa tin thứ hai” (tr.314).

Sau những phân tích chi ly đó, tác giả đi tới một đúc kết:

“Như vậy, ở Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, diễn biến đơn tuyến của kiểu truyện Nôm cổ truyền theo một lộ trình duy nhất, lấy nhân vật chính làm tâm điểm, đã bị thay thế bằng diễn biến đa tuyến của nhiều nhân vật khác nhau, theo nhiều lộ trình không đồng nhất, và trong hai nhân vật chính thì một nhân vật là trung tâm, đi suốt các lộ trình ấy, một nhân vật là người chờ đợi, nơi kết nối các lộ trình ấy lại” (tr.314).

Thử xem, Trần Hải Yến làm gì có được những tổng kết mang tính lý thuyết như trên.

Vậy là, ở Nguyễn Huệ Chi, ông chẳng những phân tích khá kỹ về đặc trưng kết cấu truyện Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, mà còn chỉ ra được kết cấu này không đơn tuyến, mà là một phức hợp gồm ba tuyến đan cài với nhau, gồm cốt truyện tình yêu giữa U Lan và Tán Sĩ, bên cạnh đó là cốt truyện phiêu lưu của hầu hết các nhân vật như U Lan, Tán Sĩ, Hồng Liên, Phạm Khanh, Mân Lê…, và cuối cùng, song hành với hai tuyến trên là 

“chuỗi tự sự lịch sử với chủ điểm là những câu chuyện đấu tranh gian nan không ngừng nghỉ chống đế quốc giành độc lập, hoặc những phong trào vận động bền bỉ đánh đổ các thế lực quân chủ thối nát xây dựng chế độ dân chủ hoặc quân chủ lập hiến…” (tr.316).

So sánh giữa hai văn bản, chúng tôi thấy, giữa Nguyễn Huệ Chi và Trần Hải Yến cũng có một vài điểm tương đồng về cách nêu khái niệm (như các phạm trù “thời gian nghệ thuật”, “không gian nghệ thuật”, điều mà từ rất nhiều năm nay hầu như ta nghe đã quen đến thành nhàm); hay cách đặt vấn đề và phương pháp luận, nhưng về cấp độ, có thể nói giữa hai bên hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, phần nhận định Giai nhân kỳ ngộ diễn ca có một chủ đề nằm trong phạm vi kiểu truyện Giai nhân tài tử thì không riêng trần Hải Yến và Nguyễn Huệ Chi đều nhận thấy mà chỉ cần đọc đầu đề Giai nhân kỳ ngộ diễn ca tự khắc ai cũng phải thấy; tuy nhiên Trần Hải Yến chỉ nói lướt qua, trong khi Nguyễn Huệ Chi lại cụ thể đến mức liệt kê được cả số lượng câu Phan Tây Hồ dành cho từng loại chủ đề. Với mối tình của Tán Sĩ và U Lan, Nguyễn Huệ Chi cho biết, thực chất Phan Châu Trinh chỉ sử dụng 855 câu trên tổng số 1761 câu, phần còn lại chính là 

ba đoạn độc thoại của ba nhân vật, đẩy thời gian ngược về với quá khứ của ba người, và cũng đẩy không gian câu chuyện đến ba phương trời hết sức xa lạ, không liên quan gì đến hiện tại của họ trên đất Mỹ, không liên quan đến cả tình cảm riêng tư của họ” (tr. 313).

Một khi đã giải được mã nghệ thuật của Giai nhân kỳ ngộ diễn ca mà mục tiêu của tác phẩm là “hưng dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, Nguyễn Huệ Chi nhận xét về Phan Châu Trinh sau khi đã đặt nhà chí sĩ trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể:

“Dầu sao, trong nghệ thuật thì thực hành chính trị cao tay trước hết là tuân thủ những quy tắc riêng của cái lĩnh vực nghệ thuật mình dùng làm phương tiện. Tầm vóc văn hóa và cả tầm vóc nghệ sĩ ở Phan Châu Trinh đã giúp ông nhạy cảm với điều ấy. Chịu ảnh hưởng của Lương Khải Siêu về quan niệm xem tiểu thuyết như một công cụ quan trọng trong công cuộc cải tạo xã hội, muốn làm mới dân một nước không thể không trước tiên làm mới tiểu thuyết nước ấy, giờ đây là lúc Phan Châu Trinh mang ra áp dụng” (tr. 318).

Phân tích về kỹ năng xây dựng nhân vật cũng như phong cách biểu đạt ngôn ngữ trong Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, Nguyễn Huệ Chi còn có những nhận xét mà ta không thể tìm thấy trong luận án của Trần Hải Yến: “Trên nhiều phương diện khác, ông còn soi chiếu nhân vật bằng khá nhiều quan niệm mới mẻ: về lý tưởng thẩm mỹ Không phải là một cách nhận thức cái đẹp thuần túy nhan sắc hay bó hẹp trong “công dung ngôn hạnh” mà còn tích hợp trong đó bề dày văn hóa, kiến thức, tinh thông nghề nghiệp và cả sự từng trải” (tr. 320).

Giai nhân kỳ ngộGiai nhân kỳ ngộ diễn ca có liên quan mật thiết với nhau, nên ngoài việc lý giải thấu đáo truyện thơ của Phan Châu Trinh, Nguyễn Huệ Chi còn thuyết phục được người đọc ở việc sử dụng lý thuyết cấu trúc ngôn ngữ hiện đại nhằm phân tích vai trò của “người đưa tin” và “người nhận tin” thông qua đối thoại, như là một bước đột phá của Giai nhân kỳ ngộ diễn ca trong việc tiếp thu hình thức đối thoại từ tiểu thuyết Giai nhân kỳ ngộ của Lương Khải Siêu. Ông viết:

“Để làm cho ngữ điệu bớt tẻ nhạt, người viết biết khéo léo biến thông báo đơn thoại thành đối thoại theo hai tầng ngữ cảnh: đối thoại giữa người đưa tin và người nhận tin, và đối thoại giữa người đưa tin và những người chung cảnh ngộ. Chú trọng trần thuật bằng đối thoại và hoán chuyển luân lưu vị trí đối thoại (trực tiếp / gián tiếp), thay đổi khẩu khí lời nói, tác phẩm bổ cứu được nhiều chỗ yếu trong xây dựng tính cách, làm cho tính cách nhân vật có dịp cọ xát, bộc lộ ra trên tiến trình của tiểu thuyết” (tr. 325).

Tóm lại, để có đươc bài viết về đặc trưng thi pháp của Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, GS Nguyễn Huệ Chi đã phải có một phác đồ làm việc, một dàn ý chi tiết, một phương pháp luận khoa học cùng với thao tác đọc, so sánh, đối chiếu văn bản hết sức công phu, từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau chứ không phải chỉ tham chiếu luận án của Trần Hải Yến rồi “rút ruột” nó như Nguyễn Hoà ngờ vực. Và điểm cần nhấn sau rốt là sự nung nấu suy nghĩ của người nghiên cứu để tìm ra cái riêng có ở nơi ông.

Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, một thể nghiệm mới của Phan Châu Trinh về truyện thơ lục bát” quả thật là một công trình khoa học chuyên sâu, có những phát hiện mới ngay cả Lê Văn Siêu, Vĩnh Sính là những người nghiên cứu rất kỹ về Phan Châu Trinh cũng chưa từng phát hiện chứ chưa nói đến Trần Hải Yến.

Bởi vậy, một lần nữa, chúng tôi vẫn nghi ngờ, Nguyễn Hoà, thật ra, chưa hề đọc luận án tiến sĩ của Trần Hải Yến cũng như chuyên luận về Giai nhân kỳ ngộ diễn ca… của GS Nguyễn Huệ Chi một cách nghiêm túc. Chính vì thế, ông đã vội vàng quy chụp bằng thứ ngôn ngữ đao búa, cưỡng bức chân lý từ những lý do ngoài văn chương. Đây chính là điều tối kỵ đối với người cầm bút phê bình, vì phản biện kiểu ông Nguyễn Hoà chính là mình tự hạ thấp mình.

*

Trở lên, hai phần khác nhau trong một bài viết mà chúng tôi đã cố gắng diễn giải thật gọn nhưng không thể nào gọn hơn, trước sau chỉ muốn trình ra một vài dẫn liệu và gợi ý để độc giả chưa nắm được vấn đề có cơ sở bước đầu tự mình kiểm nghiệm đúng sai, trước những “dư luận” quàng lên GS Nguyễn Huệ Chi. Ở một đất nước mà nhiều khi vàng thau lẫn lộn không có tiêu chí để phân biệt, và những kẻ “mạnh miệng” lại thường không hẳn đã cầm được chân lý mà chỉ cầm cái mà ai cũng kiêng kỵ thì một sự im lặng trong nhiều năm như của GS Nguyễn Huệ Chi tưởng cũng là dễ hiểu. Tôi coi đó là sự tự trọng cần thiết và tin rằng có một lúc nào đấy, mọi sự rồi sẽ sáng tỏ.

Chí Linh 21 tháng 10– 4 tháng 11 năm 2013 
Đ.V.S.
__________

Chú thích:
(1) Nguyễn Huy Khánh: “Cùng nói về một cuộc “cách mạng xã hội”, nhưng lập luận của các nhóm Lập trường, Sống đạo, Hành Trình, Thái độ, Ấn quang, v.v. đều khác nhau. Nhóm thì đòi “cách mạng xã hội không cộng sản”, nhóm khác lại yêu cầu Mỹ “làm lá chắn chống cộng sản” để họ làm “cách mạng xã hội”, v.v. Những nhóm nói trên đều thuộc các phe phái khác nhau, đại điện cho các tập đoàn, các giai cấp khâc nhau. Nhóm thì đại diện cho một tầng lớp nào đó của giai cấp tư sản, nhóm khác thì chỉ là những tên tay chân của những tập đoàn ngụy quân ngụy quyền nào đó mượn chiêu bài “cách mạng xã hội” để chống cộng, chống cách mạng, đồng thời kèn cựa với Thiệu, vòi vĩnh với Mỹ. Cho nên, lập luận của Nhất Hạnh trong Nẻo về của ý, Đạo Phật hiện đại hóa rõ ràng không giống của Lý Chánh Trung trong Ba năm xáo trộn, của Thế Uyên trong Nghĩ trong một xã hội tan rã, v.v.” (“Mấy suy nghĩ về vấn đề nghiên cứu văn học thực dân mới ở miền Nam”, Tạp chí văn học, số 4 - 1977; tr.26);

Thạch Phương: “Nếu từ 1963 trở về trước, tiếng nói đả kích ồn ào, lì lợm với những trò vu khống, mạ lị thô bỉ kiểu hàng tôm hàng cá là âm điệu chủ yếu của văn học chống cộng, thì từ 1964 về sau, biểu hiện của nó tinh vi hơn, mềm dẻo hơn và cũng đa dạng hơn. Nhưng đồng thời sự xảo quyệt ranh ma cũng tăng lên gập bội. Những điệp khúc quá nhàm tai như “cộng sản độc tài khát máu, phi nhân cuồng tín”, “cộng sản bán nước phản dân tộc” cũng như thứ văn chương “liều lĩnh đấm ăn xôi” [...] tuy không phải đã hết, nhưng nó đã lùi xuống vị trí thứ yếu, nhường bước cho những trò “đối thoại” nhuốm màu “huynh đệ”, cho những lời khuyên can lập lờ hai mặt của những người tự khoác áo “trọng tài thánh thiện”, “không theo quốc gia mà cũng không theo giải phóng, hay cái giọng điệu “chiêu hồi” tỉ tê, rỉ rả vừa ngọt ngào vừa gian manh quỷ quyệt: “Con rắn hổ mang uống xong giọt sương khuya trên đầu ngọn cỏ, bỗng cảm thấy tiêu tan nọc độc trên lưỡi mình / Và những mũi tên tẩm thuốc độc của loài ma nở thành hoa khi bay đến” (Nhất Hạnh:Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện. Lá Bối xb, 1966)” (Khuynh hướng chống cộng, mũi xung kích của văn học thực dân mới, Tạp chí văn học, số 4 - 1977; tr.15);

Trần Trọng Đăng Đàn: “Một trong những vấn đề liên quan đến giới văn hóa văn nghệ thực dân mới tại miền Nam trước đây là sự phục hồi, tân trang các thứ triết học vốn có từ lâu ở bản xứ như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Nho giáo... và du nhập vào, phát triển thêm các thứ triết học đang thịnh hành ở phương Tây, chủ yếu là học thuyết Phờ-rớt và triết học hiện sinh. [...] Và phải nói là dưới nhiều sự biến dạng, đôi khi trở nên kỳ quái, triết học các loại đã thông qua các hoạt động văn hóa, các sáng tác văn nghệ để phục vụ cho chính trị phản phản động của Mỹ-ngụy rất đắc lực. Nếu như dưới ảnh hưởng của học thuyết Phờ-rớt, với các biến dạng của nó [...] thì những người lợi dụng triết lý của Phật giáo với nhiểu biến dạng của nó, lại thông qua một số văn nghệ sĩ miền Nam để mưu toan cản bước cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của nhân dân bằng những lời lẽ, những hành động giả đạo đức, giả nghĩa nhân như kiểu Thích Nhất Hạnh với Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện (Nhà xuất bản Lá Bối, S., 1965) hay khuyên người ta lẩn tránh đấu tranh bằng cách làm ngơ trước họa mất nước, ca tụng cuộc sống “thanh thoát” của các Thiền sư thoát tục, coi cuộc sống xã hội chỉ như là một cảnh tượng xô bồ, cần xa lánh để trở về với “thiên nhiên u tịch”...” (Văn hóa văn nghệ phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mỹ tại Nam Việt Nam 1954 - 1975, NXB Thông tin & NXB Long An, 1990; tr.147-146], v.v.

(2) (4) (5) Hai tấm ảnh trên cùng với các đoạn trích, chúng tôi lấy từ bài viết “Những năm tháng với Phong Lê” được đăng trên talawas ngày 14 tháng 6 năm 2008. Đường dẫn đến bài viết như sau (cần vượt qua tường lửa): http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13412&rb=0102

(3) Xem Việt Nam Phật giáo sử luận, 2 tập, NXB Văn học, Hà Nội, 1992 và 3 tập, NXB Văn học, Hà Nội và TP HCM, 1994. Lời giới thiệu của Nguyễn Huệ Chi. Hội đồng giám định gồm các GS Vũ Khiêu, Hà Văn Tấn, Nguyễn Huệ Chi và Hoà thượng Thích Thanh Tứ.

(6) Nguyên văn:

二 月世子遣從兄興寧王陳嵩屢來約降。故老我師。夜乃遣其感死者劫諸營 (Nhị nguyệt, Thế tử khiển tòng huynh Hưng Ninh vương Trần Tung lũ lai ước hàng, cố lão ngã sư, dạ nãi khiển kỳ cảm tử giả kiếp chư doanh)

(7)Nguyễn Huệ Chi – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật trong văn học Cổ cận đại Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 251, 25-8-2013.

(8) Bàn phím và cây búa là tên một tập tiểu luận phê bình của Nguyễn Hoà.

Phụ lục 
Bài báo của ông Nguyễn Hoà trên Văn nghệ, số 41 ra ngày 12-10-2013
.
clip_image006. 
clip_image008

Đ. V. S.
Nguồn: diendan.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét